Địa phương đầu tiên có heo chết là Bình Định. Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định phải ra công văn đề nghị dừng tiêm vì nghi vaccine NAVETCO-ASFVAC có vấn đề. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, một số tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên… cũng xuất hiện hiện tượng heo bị sốt, chết sau khi tiêm loại vaccine này.
Bộ NN-PTNT có chỉ đạo tiêm vaccine tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước sau khi công bố lưu hành thương mại, với tổng lượng cho phép là 600.000 liều trong giai đoạn 1 (tiêm diện hẹp). Do đó, tình trạng heo chết sau tiêm vaccine có thể không dừng lại ở các địa phương kể trên. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y thành lập 3 đoàn công tác vào Nam Trung bộ để kiểm tra tình hình thực tế, tìm nguyên nhân.
Theo số liệu kiểm tra của cơ quan thú y, tại tỉnh Bình Định đã tổ chức tiêm 905 liều ở 9 cơ sở nuôi heo an toàn sinh học theo đúng hướng dẫn của Cục Thú y thì không xảy ra sự cố. Song, do có thông tin dịch tả heo châu Phi tại Bình Định có nguy cơ bùng phát nên người chăn nuôi và mạng lưới thú y cơ sở ở địa phương này đã đề nghị cung cấp thêm 4.950 liều vaccine để tự tiêm phòng mở rộng mà không có kiểm soát (tiêm sai đối tượng chỉ định được dùng vaccine) và không tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan thú y, dẫn đến hơn 250 con heo nái, heo đực giống, heo con, heo thịt gặp phản ứng, chết tại 66 hộ chăn nuôi.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên và một số địa phương khác, mặc dù không nằm trong danh sách được lựa chọn tiêm của Bộ NN-PTNT, từ ngày 4 đến 17-8, tại các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An và thị xã Đông Hòa, người dân đã mua 900 liều vaccine về tự tiêm cho đàn heo có tổng 609 con mà không có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y. Trong số này, 542 con đã xảy ra phản ứng sau tiêm vaccine, trong đó có 297 con chết; còn lại 245 con đang điều trị triệu chứng và hồi phục.
Về nguyên nhân heo chết sau tiêm vaccine, đoàn kiểm tra của Cục Thú y bước đầu xác định có thể do các đàn heo đã nhiễm virus dịch tả heo châu Phi thực địa hoặc nhiễm một số mầm bệnh truyền nhiễm khác, đang trong thời gian ủ bệnh và chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh. Chủ hộ, thú y cơ sở không xác định được heo đã nhiễm bệnh, nên khi tiêm vaccine đã xảy ra bệnh hoặc đàn heo nhiễm một số bệnh truyền nhiễm khác.
Theo Cục trưởng Cục Thú y, sau khi xảy ra sự cố này, các địa phương có heo chết đã chỉ đạo dừng tiêm vaccine NAVETCO-ASFVAC. Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã yêu cầu thu hồi toàn bộ lượng vaccine được Navetco cung ứng cho các địa phương để quản lý, lưu giữ. Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân không bán chạy heo bệnh, heo chết, xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y và tiếp tục theo dõi các đàn heo đã tiêm vaccine của Navetco.
Đại diện Cục Thú y cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với Công ty Navetco và các cơ quan chuyên môn, các địa phương vì không tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và hướng dẫn của Cục Thú y, nhất là việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine nhưng không có hướng dẫn, giám sát, để tiêm sai đối tượng heo đã chỉ định. Phía Navetco cũng cho biết đã cam kết bước đầu hỗ trợ 2 triệu đồng/heo nái và heo đực giống, 1 triệu đồng/heo thịt bị chết sau tiêm vaccine. Đồng thời hỗ trợ thuốc, chất bổ trợ để điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng cho những con heo có phản ứng sau tiêm phòng. |