Hệ thống xử lý nước thải

Quy trình XLNT của hệ thống có thể mô tả tóm tắt như sau:
Hệ thống xử lý nước thải

Đây là hệ thống xử lý nước thải (XLNT) được chế tạo trong nước, chất lượng nước thải sau xử lý đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn quy định hiện hành, đạt yêu cầu chất lượng nước an toàn thải ra sông. Nồng độ nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn thải (TCVN 5945-2005), nguồn loại B.

Quy trình XLNT của hệ thống có thể mô tả tóm tắt như sau:

Hệ thống xử lý nước thải ảnh 1

Trạm xử lý nước thải tại chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức.

Nước thải từ hệ thống cống thoát nước bẩn dẫn đến hố gom, tại đây bố trí song chắn rác để loại các cặn bẩn có kích thước lớn. Bơm nước thải được trang bị trong hố gom vận hành chế độ tự động hoàn toàn theo tín hiệu mực nước.

Nước thải được bơm lên bể lắng. Trên ống dẫn vào bể lắng có 3 đường hóa chất châm vào là xút, dung dịch keo tụ, dung dịch trợ keo tụ. Nước thải chảy qua bể lắng dẫn vào ống trung tâm.

Trong bể lắng nước di chuyển trong ống trung tâm xuống đáy bể sau đó di chuyển ngược từ dưới lên trên chảy vào hai ống khoan (ống thu nước) để tràn sang bể điều hòa.

Trong bể điều hòa không khí được cung cấp vào nhằm khuấy trộn nước thải và tạo điều kiện hiếu khí tránh hiện tượng phân hủy kỵ khí gây mùi hôi thối. Trong bể điều hòa bố trí 2 bơm nước thải nhúng chìm để bơm nước lên bể UASB.

Tại đây, các chất hữu cơ hòa tan và dạng keo có trong nước thải sẽ được phân hủy bởi sự hoạt động của các vi khuẩn yếm khí. Sau khi qua bể UASB nước thải tiếp tục tràn sang bể USBF. Bể USBF sẽ thực hiện quá trình xử lý sinh học kết hợp lắng. Không khí sẽ được cấp vào vùng hiếu khí nhờ 2 máy thổi khí hoạt động luân phiên 24/24 giờ.

Vi sinh trong bể USBF sẽ được bổ sung định kỳ từ bùn tuần hoàn ở ngăn lắng đồng thời dưỡng chất cũng được cung cấp vào để vi sinh vật sinh trưởng. Các vi sinh vật này sẽ phân hủy các chất hữu cơ thành sản phẩm cuối cùng là CO2, H20, CH4 và làm giảm nồng độ bẩn trong nước thải.

Hiệu quả khử BOD ở bể USBF có thể đạt 85% - 90%. Nước thải tiếp theo được đưa qua bể khử trùng với chất khử trùng là nước javel. Quá trình oxy hóa vi sinh gây bệnh xảy ra trong ngăn tiếp xúc javel. Javel là chất oxy hóa mạnh sẽ oxy hóa màng tế bào vi sinh gây bệnh và giết chết chúng. Thời gian tiếp xúc để loại bỏ vi sinh khoảng 20-40 phút.

Bể khử trùng là công trình xử lý cuối cùng trong hệ thống xử lý nước thải. Sau khi qua ngăn khử trùng, nước thải đã đạt tiêu chuẩn thải vào nguồn loại B theo TCVN5945 - 1995 và có thể xả vào nguồn tiếp nhận.

Các lĩnh vực áp dụng của hệ thống XLNT gồm dầu khí; công nghệ thực phẩm; cao su – nhựa - chất dẻo; kim loại - luyện kim; nhà hàng - khách sạn…  

NGUYÊN LAN 

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:
TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TPHCM
BAN QUẢN TRỊ CHỢ CÔNG NGHỆ VÀ THIẾT BỊ TRÊN MẠNG
Địa chỉ: Lầu 4, phòng 411, 79 Trương Định Q1 TPHCM
ĐT: (08)8.258.857,(08) 8.297.040 / 503, 508, 129 , Fax: 8.291.957
E.mail: techmart-online@cesti.gov.vn

Tin cùng chuyên mục