Theo Yonhap, trong các cuộc đàm phán tiền lương vào phút cuối được tiến hành từ ngày 27-3 đến sáng 28-3, Liên đoàn Lao động Xe buýt Seoul và các chủ lao động đã không đạt được thỏa thuận về việc tăng lương giờ làm thêm.
Liên đoàn đã yêu cầu tăng 12,7% tiền lương theo giờ, với lý do lực lượng lao động phải di chuyển sang các khu vực lân cận, nhưng các chủ lao động cho rằng, yêu cầu này quá cao khi xét đến tỷ lệ lạm phát trong 5 năm qua.
Liên đoàn Lao động Xe buýt Seoul có khoảng 18.000 thành viên tại 65 công ty đã phản ứng bằng cách phát động đình công. Cuộc đình công ảnh hưởng đến 7.210 xe buýt nội đô, chiếm 97,6% dịch vụ xe buýt của Seoul.
Hai bên dự định tiếp tục đàm phán để đạt được bước đột phá ngay cả sau khi cuộc đình công đã được phát động.
Do việc ngừng hoạt động sẽ làm giảm đáng kể lượng xe buýt sẵn có, các nhà chức trách đã lên kế hoạch tăng tần suất và giờ hoạt động của các chuyến tàu điện ngầm, đồng thời cung cấp dịch vụ xe buýt đưa đón miễn phí từ các ga xe lửa lớn trong thời gian đình công.
Các quan chức cũng yêu cầu các cơ quan công quyền, công ty tư nhân và các cơ sở giáo dục lùi giờ học một giờ để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn vào giờ cao điểm.
Theo tờ Korea JoongAng Daily, chính quyền thành phố sẽ bổ sung 202 chuyến tàu điện ngầm hàng ngày, kéo dài giờ hoạt động đến 2 giờ sáng.
Để giải quyết tình trạng quá tải, chính quyền thành phố sẽ triển khai nhân sự đến 17 ga lớn, bao gồm Ga Jamsil và Ga Seoul. Dịch vụ xe buýt đưa đón miễn phí cũng sẽ hoạt động từ các ga tàu điện ngầm lớn trên khắp 25 quận của Thủ đô.
Cuộc tổng đình công đầu tiên kể từ năm 2012 này đã gây bất tiện lớn cho hành khách vào giờ cao điểm buổi sáng. Theo giới quan sát, sự gián đoạn giao thông cục bộ và các cuộc giao tranh có thể xảy ra trong các cuộc tụ tập lớn, đặc biệt nếu các nhà hoạt động tuần hành hoặc chặn các tuyến đường lớn như đường Sejong và Uisadang.