Xuống cấp, thiếu nhân lực
Ngày 19-10, trong cơn mưa nặng hạt, Trạm y tế phường 3 (quận Gò Vấp) chỉ lác đác vài người dân đến bốc thuốc đông y, khu vực khám chữa bệnh không một bóng người.
BS Đinh Công Dũng, Trạm trưởng Trạm y tế phường 3, chia sẻ, do cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu thốn trang thiết bị y tế, không có giường cấp cứu; phòng khám thai và khám phụ khoa chỉ rộng 5m2 … nên người dân tới khám rất ít. Trước đây, Trạm y tế phường 3 tọa lạc tại số 123/5 đường Lê Lợi, rộng trên 800m2 , nhưng sau đó trạm di dời về số 124/3 đường Phạm Văn Đồng, diện tích trên 200m2, tiền thân là căn nhà phố 1 trệt 1 lầu cũ kỹ. Đội ngũ y, bác sĩ Trạm y tế phường 3 mong mỏi trạm sớm được xây dựng trên khu đất mới, diện tích đủ lớn để đáp ứng tốt hơn công tác chăm lo sức khỏe ban đầu cho gần 57.000 người dân trên địa bàn.
Trạm y tế phường 2 (quận Tân Bình) là căn nhà phố 1 trệt 2 lầu, được thiết kế đầy đủ các phòng chuyên môn như phòng nha, X-quang, đông y, sản nhi, cấp cứu… Thế nhưng, vì không đủ nhân sự nên có phòng chuyên môn chỉ trưng bảng phía trên, còn thiết bị, vật tư, máy móc bên trong chưa được đầu tư.
“Chúng tôi đã và đang nỗ lực vượt khó để đảm bảo công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho hàng ngàn người cao tuổi có bệnh nền, bệnh lý không lây. Nhưng nếu trạm không sớm được cải tạo, sửa chữa, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn phường sẽ rất khó khăn”, đại diện Trạm y tế phường 2 bày tỏ.
Qua ghi nhận, đa số trạm y tế ở khu vực nội thành TPHCM là các căn nhà phố được tận dụng làm trụ sở, sử dụng đã lâu, xuống cấp, chật chội. Còn ở khu vực vùng ven, ngoại thành, phần lớn trạm y tế được xây dựng sau năm 2000, có quy mô rộng rãi, nhưng nhiều trạm thiếu nhân lực nên phòng khám chỉ trưng bảng hiệu, bên trong được tận dụng làm kho để vật tư hư hỏng hoặc thiết bị lâu ngày không sử dụng.
Trần nhà ở Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đã xuống cấp |
Mong đợi được xây mới, cải tạo
Tại kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 (tổ chức tháng 4-2023), HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến phường, xã trên địa bàn thành phố”. Các địa phương thực hiện dự án gồm: TP Thủ Đức, các quận 1, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các công trình được phê duyệt đầu tư vẫn chưa có tiến triển.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, thông tin, quận có 4/10 công trình cần được sửa chữa, nâng cấp là Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa, Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B, Trạm y tế phường Bình Trị Đông B, Trạm y tế phường An Lạc. Các trạm y tế này đã được quận triển khai khảo sát từ năm 2022 và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình theo trạm y tế mô hình điểm. Tuy nhiên, đến nay, cả 4 dự án này vẫn chưa có quyết định giao vốn để triển khai thực hiện…
Trong khi đó, nhiều địa phương khác đã thực hiện xong góp ý bản vẽ thiết kế xây mới, sửa chữa và cải tạo, dự trù trang thiết bị liên quan cho các dự án trạm y tế. “Mong ngóng từng ngày của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, người dân là các dự án này được triển khai càng nhanh càng tốt, như vậy thì y tế cơ sở sẽ có bộ mặt “sáng sủa” hơn”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM, trong 146 trạm y tế, có 140 trạm được sửa chữa và 6 trạm xây mới, với tổng vốn 296 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Hiện đơn vị đang thực hiện các bước lập dự toán, xây dựng dự thảo kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị dự án và giai đoạn thực hiện dự án. Sau khi hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định, dự kiến dự án được khởi công vào năm 2024 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Huyện Cần Giờ là địa phương không có dự án trạm y tế nào trong số 146 trạm y tế được phê duyệt chủ trương sửa chữa, xây mới. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho rằng đây là sự thiệt thòi của địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ dẫn chứng: “Toàn huyện có 7 trạm y tế, thì 5 trạm được xây dựng cơ bản khang trang, còn 2 trạm có cơ sở vật chất hạn chế, xuống cấp, đó là Trạm y tế xã đảo Thạnh An và Trạm y tế thị trấn Cần Thạnh. Trong đó, Trạm y tế thị trấn Cần Thạnh là dãy nhà cấp 4, được chia làm 5 phòng, mỗi phòng có diện tích 12-15m2 . Do cơ sở vật chất được tận dụng lại, không phải công năng của trạm y tế nên mưa thì dột, ngập nước; nắng thì nóng như rang. Hiện trạm có nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho trên 11.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 1.000 người cao tuổi”.