Hệ thống thuế của Đức Chặt chẽ và công bằng

Hệ thống thuế của CHLB Đức là một trong những hệ thống thuế phức tạp nhất thế giới. Mọi cư dân có đăng ký hộ khẩu trên đất Đức từ lúc sinh ra hay từ nước ngoài chuyển đến đều có luôn mã số thuế, để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của mình.

Có mã số thuế từ sơ sinh

Trẻ sơ sinh nhận tiền trợ cấp trẻ em thông qua mã số thuế (MST) của từng bé. Phần đông các doanh nghiệp, cho dù là hộ kinh doanh cá thể, cũng thường tìm đến các văn phòng tư vấn thuế để sử dụng dịch vụ báo thuế chứ ít khi tự mình làm báo cáo thuế do tính chất quá phức tạp của các bản kê. Các cá nhân tự khai thuế qua app cũng cần thời gian để nghiên cứu cách sử dụng, nhập liệu của từng app.

%8B.jpg
Các công trình công cộng ở thủ đô Berlin, Đức đều được bảo tồn, phát triển từ tiền thuế của người dân. Ảnh: NAM VINH

Đức có nhiều loại thuế khác nhau như thuế thu nhập, thuế thương mại hoặc thuế bán hàng. Thuế là nguồn thu nhập quan trọng nhất của nhà nước Đức, từ đó nhà nước tài trợ cho các chi tiêu vì lợi ích chung - như an sinh xã hội, giáo dục, y tế hoặc cơ sở hạ tầng giao thông. Hệ thống thuế của Đức dựa trên hiệu quả hoạt động, tính minh bạch và công bằng. Thuế giá trị gia tăng luôn chiếm mức thu thuế cao nhất ở Đức (năm 2020, con số này là 219 tỷ EUR). Các mặt hàng và dịch vụ thông thường 19%, có những mặt hàng được áp mức thuế 7% như sách, nông sản, thực phẩm, khá thấp so với nhiều nước EU khác như Tây Ban nha 21%, Ba Lan, Bồ Đào Nha 23%, Italy 22%, Pháp 20%...

Thuế thu nhập được áp dụng với gần như tất cả mọi người từ mức 9.168EUR mỗi năm. Thuế được đảm bảo dựa trên khả năng chi trả thông qua biểu thuế lũy tiến tuyến tính, có nghĩa là thu nhập càng cao thì tỷ lệ phần trăm thuế càng tăng. Người làm công ăn lương đóng thuế tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình (độc thân/có gia đình, có con/không con, cấp dưỡng cho cha mẹ…). Người sử dụng lao động khấu trừ thuế tiền lương và các khoản đóng góp an sinh xã hội từ tổng tiền lương và nộp cho cơ quan thuế trước khi trả lương ròng cho nhân viên. Thuế lương, hay còn gọi là thuế thu nhập thường được ước chừng và thu trước. Đến cuối năm, người nộp thuế nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế và nếu nộp dư sẽ được hoàn thuế.

Từ năm 2024, công ty có doanh thu hàng năm 800.000EUR hoặc lợi nhuận 80.000 EUR/năm trở lên mới cần nộp báo cáo lợi nhuận và lỗ. Các loại thuế cơ bản mà doanh nghiệp cần trả là thuế doanh thu (19%), thuế lương cho nhân viên (người sử dụng lao động trả 50% - người lao động trả 50%), thuế doanh nghiệp (3,5% doanh thu), thuế thu nhập doanh nghiệp.

Giới hạn đóng thuế

Ở Đức, 10% người giàu nhất sở hữu hơn một nửa tổng tài sản dân số. Tuy nhiên, có những khoảng trống, sơ hở trong hệ thống thuế mà người giàu có thể khai thác tốt hơn. Tài sản và tài sản thừa kế không bị đánh thuế nặng như kinh doanh hoặc lương. Thuế tài sản ở Đức đã bị đình chỉ vào năm 1996. Thừa kế bị đánh thuế nhưng có mức trợ cấp cao và có nhiều cách để tránh thuế thừa kế.

Thuế thu nhập, bảo hiểm và các chi phí bổ sung khác ở Đức rất cao, một người có thu nhập bình thường phải chi khoảng 30%-35% tổng thu nhập của họ vì mục đích an sinh xã hội, hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng cũng chỉ đến một giới hạn nhất định, gọi là giới hạn đánh giá đóng góp. Bất kỳ ai kiếm được nhiều hơn một số tiền nhất định sẽ không phải trả thêm bất kỳ khoản đóng góp an sinh xã hội nào cho bất kỳ khoản nào cao hơn số tiền đó. Ví dụ về bảo hiểm hưu trí, giới hạn ở miền Đông nước Đức là 7.100EUR mỗi tháng và ở phía Tây là 7.300EUR. Có những giới hạn tương tự đối với dịch vụ chăm sóc điều dưỡng, sức khỏe và bảo hiểm thất nghiệp.

Nhưng điều này cũng có nghĩa là bạn kiếm được càng nhiều thì tỷ lệ đóng an sinh xã hội càng thấp. Đó là lý do tại sao triệu phú thu nhập ở Đức không đóng nhiều thuế hơn gia đình bác sĩ. Người siêu giàu điển hình ở Đức không có thu nhập từ công việc mà là từ lợi nhuận doanh nghiệp, lãi vốn và thu nhập từ bất động sản. Mức thuế trung bình mà các triệu phú phải trả là 24% - thấp hơn nhiều so với mức thuế của những người có thu nhập trung bình. Điều này là do việc đánh thuế lãi vốn thấp hơn đáng kể so với thu nhập và khả năng giải quyết thu nhập cho thuê hoặc chia sẻ lợi nhuận thông qua các công ty con.

Mọi cá nhân, doanh nghiệp cần giữ hóa đơn, sổ sách kế toán trong vòng 10 năm. Cơ quan thuế có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, kể cả doanh nghiệp đã ngừng kinh doanh. Mọi cơ sở kinh doanh đều phải có máy tính tiền dùng phần mềm kế toán được cấp phép, mọi hóa đơn khi đặt lệnh xuất trên máy tính đều được gửi và lưu trên máy chủ của sở thuế, không thể xóa hay sửa chữa. Doanh nghiệp cũng có thể tự ghi sổ viết tay, nhưng phải cụ thể chi tiết từng ngày.

Tin cùng chuyên mục