Thời gian triển khai luật vừa qua cũng bộc lộ nhiều luật đã bất cập, trở thành rào cản, thậm chí “ghè đá vào chân” trong hoạt động chuyên môn của các thầy thuốc, nhân viên y tế.
Tồn tại nhiều bất cập
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Luật KCB (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011) đã tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề KCB và giấy phép hoạt động. Tính đến tháng 12-2018, toàn quốc đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 363.407 cá nhân và giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở KCB.
Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước, tùy theo loại hình khám bệnh. So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám. Thành tựu lớn nhất trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong quá trình thực hiện Luật KCB cũng đã có những hạn chế, bất cập, một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế. Như: Luật quy định người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải trải qua giai đoạn thực hành, nhưng lại không quy định rõ việc thực hành trong các trường hợp điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn; luật quy định việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề của nước ngoài nhưng lại không quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thừa nhận cũng như không giao cho cơ quan nào hướng dẫn về vấn đề này…
“Luật KCB quy định thời gian thực hành là 18 tháng đối với bác sĩ, 9 tháng đối với điều dưỡng, trong khi Luật Lao động chỉ quy định chung về thời gian tập sự là 12 tháng”, ông Quang ví dụ sự tréo ngoe trong thực thi Luật KCB.
Cũng theo ông Quang, Luật KCB quy định việc phân tuyến kỹ thuật nhưng Luật Bảo hiểm y tế lại quy định việc áp dụng giá theo hạng bệnh viện, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức hoạt động của các cơ sở KCB…
Chỉnh lý để phù hợp thực tiễn, hội nhập
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất để bổ sung, chỉnh sửa Luật KCB, đáp ứng yêu cầu phát triển mới như: bổ sung quy định về các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội (đội điều trị, bệnh xá, trung tâm y tế, tổ quân y có giường lưu); xem xét đổi tên Luật KCB thành Luật Dịch vụ y tế, trong đó quy định tất cả các đối tượng làm việc chuyên môn y tế phải có giấy phép hành nghề (không phân biệt điều trị hay dự phòng, lâm sàng hay cộng đồng); xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực y tế quốc gia để dự báo và xác định quy mô đào tạo phù hợp; xem xét xây dựng quy trình thanh tra chuyên ngành y tế phù hợp với tính chất đặc thù để khi tác nghiệp phù hợp với thực tế…
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng bác sĩ muốn hành nghề phải thi chứng chỉ, thậm chí phải tổ chức thi nhiều vòng để có sự sàng lọc đảm bảo trình độ chuyên môn.
“Luật KCB ban hành là để áp dụng cho mọi người hành nghề trên đất nước Việt Nam. Do đó, không phải vì hợp tác quốc tế nên các bác sĩ nước ngoài được phép vào nước ta hành nghề mà không phải tuân theo quy định. Đã là hành nghề ở nước ta thì cả bác sĩ nội và ngoại đều phải thi để kiểm chứng năng lực”, PGS-TS Tăng Chí Thượng phân tích.
Cũng theo ông, TPHCM đang phát triển mạnh cấp cứu ngoại viện nhưng để tìm một loại hình chuyên về cấp cứu ngoại viện thì không có, mã đào tạo không có, buộc các bác sĩ phải tham gia. Vì vậy, khi sửa đổi Luật KCB, cần làm thế nào để có nhiều loại hình KCB, giảm bớt áp lực cho tuyến trên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KCB; tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về KCB; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về KCB.
Bên cạnh đó, kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể trong Luật KCB về các khái niệm trong luật; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của người bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh…
Nên cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, đề nghị việc cấp chứng chỉ hành nghề cần có thời hạn, ít nhất là 5 năm và cũng có “độ tuổi” nhất định. Bởi vì có nhiều người đã nằm liệt giường vẫn có thể hành nghề (hành nghề trên giấy tờ, đứng tên trên giấy chứng chỉ hành nghề), các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi chứng chỉ. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng việc nước ta cấp chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn sẽ có thể làm cho người hành nghề tự mãn, không nâng cao kỹ năng về y khoa, đồng thời không có cơ chế giám sát về chuyên môn y tế, đạo đức nghề nghiệp. |