Chiều 22-3, tại Hải Phòng, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động và những tồn tại, hạn chế trong dự báo năm 2018, đưa ra nhận định xu thế thiên tai trong mùa mưa bão lũ năm 2019.
Năng lực dự báo còn nhiều yếu kém
Tổng cục Khí tượng - Thủy văn thẳng thắn đánh giá, năm 2018, vẫn còn những tồn tại, yếu kém trong dự báo thiên tai, mưa bão lũ như các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai chưa đủ mức độ cụ thể, chi tiết, đặc biệt là dự báo định lượng về cường độ bão - áp thấp nhiệt đới, cường độ mưa lớn, lũ quét, ngập lụt… Vì vậy, phần nào đã gây bị động trong công tác phòng chống.
Đề cập tới nguyên nhân của thực trạng này, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn cho rằng, năm 2018, thời tiết, thủy văn tiếp tục có những diễn biến bất thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều loại hình thiên tai đã xuất hiện sớm, số lượng thiên tai không nhiều nhưng đã xảy ra nhiều thiên tai mang tính lịch sử, thiết lập mốc kỷ lục mới.
Trong khi đó, dự báo cường độ bão, cường độ mưa lớn ở khu vực nhiệt đới vẫn là một thách thức của khoa học và công nghệ dự báo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hệ thống máy chạy các mô hình dự báo hiện đại, phức tạp đã cũ và yếu, hệ thống siêu máy tính mới được triển khai từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 nên hiện tại chưa đủ năng lực tính toán để vận hành một số công nghệ dự báo mới.
Việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất vẫn còn nhiều khó khăn, chưa cảnh báo được chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện ở các khu vực nhỏ là do mạng lưới trạm quan trắc đo mưa còn thiếu và chưa được tự động hóa.
Do đó, cơ quan chuyên về dự báo thời tiết, thiên tai mưa bão lũ đưa ra kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư mới và tăng nguồn lực duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo, truyền tin khí tượng thủy văn đã được đầu tư. Tăng số lượng điểm đo mưa để đảm bảo mật độ từ 40-120km² tại mỗi điểm (trước mắt cần đạt mật độ trung bình khoảng 80km²/điểm); ưu tiên hiện đại hóa và vận hành ổn định hệ thống radar thời tiết trên toàn quốc. Tăng cường số liệu đo bão trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông... Ưu tiên tăng cường số liệu quan trắc ở các trạm tiền tiêu đón bão trên biển. Trong tương lai, xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển và cường độ của bão chính xác hơn.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số; hệ thống dự báo thời tiết, thiên tai dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và kỷ nguyên dữ liệu lớn (big data); mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu toàn quốc; hệ thống giám sát hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Mùa bão năm 2019 xu hướng hoạt động muộn
Về nhận định xu thế, tình hình trong mùa mưa bão lũ năm 2019, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, mùa bão năm 2019 trên khu vực biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm, cụ thể có khả năng xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến 8-2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1°C. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình tại các khu vực phía Tây Bắc bộ và khu vực Trung bộ.
Khu vực miền Đông Nam bộ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4-2019. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 4 - 5 ở phía Tây Bắc bộ, từ tháng 5 - 6 ở phía Đông Bắc bộ, từ tháng 5 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung bộ. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Mùa khô năm 2019 ở các tỉnh ven biển Trung Trung bộ và Nam Trung bộ khả năng kéo dài tới tháng 8-2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ.