Hệ sinh thái y tế số: Chăm sóc bệnh nhân tốt hơn

“Hệ sinh thái y tế số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, đem lại sự thuận tiện hơn cho người dân”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (SIHUB) thuộc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định như vậy tại hội thảo “Hệ sinh thái y tế số Việt Nam: Hiện trạng ứng dụng, thách thức tương lai” do SIHUB phối hợp tổ chức mới đây. 
Bệnh nhân khám chữa bệnh và thanh toán đều được xử lý bằng hệ thống thẻ từ kỹ thuật số tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bệnh nhân khám chữa bệnh và thanh toán đều được xử lý bằng hệ thống thẻ từ kỹ thuật số tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ứng dụng phục vụ y tế số tăng nhanh 

Từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Y tế đã xây dựng và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy mạnh y tế điện tử, y tế số, công bố nhiều tài liệu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng với nhau. Bộ Y tế đã cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối liên thông đạt 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc với bảo hiểm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian gần đây, số lượng các ứng dụng (mobile app) phục vụ y tế số tăng nhanh. Trong đó bao gồm ứng dụng của các đơn vị khởi nghiệp (startup) và ứng dụng do chính các cơ sở y tế tự phát triển. Hiện, eDoctor, DoctorAnywhere, Jio Health, AI Health... là các ứng dụng đang được nhiều người sử dụng và có những phát triển mới đáng ghi nhận. Điều này cho thấy xã hội đang rất ủng hộ việc số hóa hoạt động y tế. 

Tính đến hết năm 2021, đã có 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim; 26 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. 

Trên thực tế, người dân đã quen với các dịch vụ được cung cấp thông qua nhiều ứng dụng, như tham vấn bác sĩ, đặt lịch khám chữa bệnh, đặt mua vật tư, thiết bị y tế gia đình… Nhiều ứng dụng cũng đóng góp tích cực vào hoạt động chống dịch thời gian qua. Trong đó có chương trình “SpO2 tại nhà” do nhóm công tác của PGS-TS-Nhà giáo nhân dân Hồ Thanh Phong và TS-BS Đỗ Thị Tường Oanh phối hợp cùng Công ty eDoctor triển khai, giúp các địa phương kết nối được nguồn lực chuyên môn để kịp thời theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà cho người dân bị mắc Covid-19. 

Huy động nguồn lực xã hội

Theo ông Huỳnh Kim Tước, với ưu thế về kết nối phân tích dữ liệu của hệ thống mạng internet và những ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data…, y tế số sẽ góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện, gia tăng tiện ích cho người dân, giúp đội ngũ y bác sĩ tiết kiệm thời gian đưa ra chẩn đoán, điều trị bệnh. Nền tảng hệ sinh thái y tế số cũng sẽ giúp giảm rủi ro lây nhiễm, giúp cho bệnh viện, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế nâng cao hiệu quả hơn thông qua kênh đăng ký, tư vấn, đào tạo trên nền tảng trực tuyến.

Trải qua thực tế chứng minh, nhiều chuyên gia đánh giá cao và cho rằng, eDoctor là một ứng dụng điển hình trong phát triển hệ sinh thái y tế số. eDoctor đã từng hỗ trợ nhiều địa phương ở TPHCM như quận 6, 10, Bình Tân... trong quản lý, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 vào thời gian cao điểm dịch (từ tháng 7 đến tháng 10-2021). Qua đó, bệnh nhân chỉ cần khai báo thông tin tình trạng bệnh bằng điện thoại, hệ thống tự động nhận định mức độ bệnh, gửi cho bác sĩ chuyên môn để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp, hệ thống sẽ báo động đến điện thoại để xử lý kịp thời. Trong hơn 4 tháng, hệ thống với gần 100 bác sĩ tham gia, đã chăm sóc, điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân mắc Covid-19.  

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực y tế sẽ góp phần tích cực giảm tải cho ngành y tế, đồng thời chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn. Để xây dựng hệ sinh thái y tế số một cách bài bản, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành của ứng dụng chăm sóc y tế trực tuyến eDoctor, cho rằng, cần sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, nguồn lực xã hội cần được huy động hiệu quả hơn nữa để đẩy nhanh quá trình số hóa hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

“Mục tiêu ngắn hạn là cải thiện chất lượng dịch vụ y tế thông qua việc triển khai y tế từ xa và y tế tại nhà, giảm tải cho các cơ sở y tế. Mục tiêu trung hạn là giúp cho mỗi gia đình Việt Nam đều có một bác sĩ gia đình trực tuyến có thể phục vụ thường xuyên và liên tục. Mục tiêu dài hạn là quản lý sức khỏe của toàn dân một cách hiệu lực và hiệu quả nhất với khả năng quản lý và phân tích dữ liệu sức khỏe trên diện rộng của công nghệ. Tất cả cùng hướng đến mục đích phát triển một nền y tế thông minh”, ông Vũ Thái Hà kỳ vọng.

Hiện, SIHUB và eDoctor đã sáng lập Câu lạc bộ Y tế số, ra mắt Ban chấp hành lâm thời với sự tham gia của những chuyên gia nhiều năm trong ngành, trong đó PGS-TS-Nhà giáo nhân dân Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, làm Chủ tịch câu lạc bộ. Đây là nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp, bác sĩ, chuyên gia y tế tham gia kết nối, thảo luận về chuyên môn và các thành viên câu lạc bộ sẽ cùng các bên phát triển các dự án ứng dụng công nghệ trong hoạt động khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho bác sĩ, giảm áp lực cho bệnh viện và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tin cùng chuyên mục