Hiện tại, thị phần chip châu Âu chỉ chiếm 10% trong thị trường chip toàn cầu trị giá 440 tỷ EUR (528 tỷ USD). EC đã đưa ra kế hoạch hồi sinh lĩnh vực chip bán dẫn kéo dài 10 năm, hứa hẹn tăng gấp đôi thị phần bán dẫn toàn cầu của Liên minh châu Âu vào năm 2030 và xây dựng một nhà máy có thể sản xuất quy trình chip 2nm.
Tình trạng thiếu chip bán dẫn là rủi ro lớn đối với sự phục hồi kinh tế của EU sau đại dịch Covid-19. Chip bán dẫn vốn là thành phần quan trọng của thiết bị điện tử, là thứ không thể thiếu trong ngành sản xuất ô tô, máy tính, điện thoại thông minh và thiết bị y tế.
Từ năm ngoái, EU đã công bố các kế hoạch dành 20% quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá 750 tỷ EUR (878 USD) đầu tư vào các dự án kỹ thuật số. Việc xây hệ sinh thái sản xuất chip bán dẫn mới được cho là một phần của dự án này. Pháp, Đức và 11 quốc gia châu Âu khác cũng đã tham gia ký kết Chương trình liên minh công nghiệp bán dẫn và chip điện tử châu Âu vào đầu năm nay, nhằm phá vỡ sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.
Các quốc gia trên cũng có kế hoạch thiết lập hệ thống tiêu chuẩn chung cho công nghiệp điện tử an toàn với mục tiêu tái thiết khả năng sản xuất chip tiên tiến của châu Âu.