WHO cũng yêu cầu các quốc gia có kho dự trữ vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ quyên góp cho các quốc gia ở châu Phi đang có dịch bệnh bùng phát. Cũng tại châu Phi, khủng hoảng nhân đạo do cuộc nội chiến ở Sudan đang làm trầm trọng thêm tình hình lây lan các căn bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh tả. WHO cho biết bệnh tả đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 người ở Sudan trong số 11.327 ca mắc bệnh. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và viêm màng não ở đây cũng đang gia tăng.
Bên cạnh châu Phi, các khu vực như Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á đang là những điểm nóng của dịch bệnh tả. WHO đánh giá rủi ro toàn cầu từ bệnh tả ở mức rất cao do số ca bệnh tăng nhanh và tình trạng thiếu hụt vaccine kéo dài. Theo WHO, tính đến ngày 28-7 đã có 307.433 ca mắc bệnh tả và 2.326 ca tử vong do căn bệnh được ghi nhận tại 26 quốc gia trên thế giới. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tăng cường sản xuất vaccine phòng bệnh tả để đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đang diễn ra trên toàn cầu. Trong khi đó, tại New York, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên tham gia xung đột tại Dải Gaza đình chiến nhân đạo tạm thời để tiến hành chiến dịch tiêm vaccine phòng bại liệt sau khi phát hiện ca bại liệt đầu tiên sau 25 năm tại dải đất này.
Nhiều dịch bệnh của các thế kỷ trước đã được loại bỏ thông qua các chiến dịch tiêm chủng, tuyên truyền về sức khỏe cộng đồng và triển khai các loại thuốc hiện đại hiệu quả. Tuy nhiên, thế kỷ 21 đã chứng kiến sự đảo ngược của nhiều thành quả lớn. Sau cơn sóng thần đại dịch Covid-19, các hệ thống y tế vẫn chưa hết khó khăn trong việc giải quyết một số căn bệnh lâu đời nhất. Theo nhận định của Tổ chức Di cư quốc tế, thế giới này đã và đang chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng chồng lên nhau như nạn đói, thiên tai, xung đột, dịch bệnh…kéo theo loạt các cuộc khủng hoảng sức khỏe. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo nhân loại về tính dễ tổn thương ở những nơi nghèo và hỗn loạn nhất thế giới.