Tình trạng này có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng đến con người và động vật, do virus sẽ có sức đề kháng cao hơn, chống lại thuốc kháng sinh.
“Điểm nóng” Đông Nam Á
Quan chức FAO Juan Lubroth đưa ra lời cảnh báo này bên lề hội nghị quốc tế về sức đề kháng của virus trước các loại kháng sinh, tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
Theo ông Juan Lubroth, hiện có một số nơi, sức đề kháng của virus rất mạnh, như tại các thành phố lớn châu Á, tập trung dân cư cao, sản xuất lương thực, thực phẩm. Vùng Đông Nam Á là một “điểm nóng” vì dân số tăng nhanh, theo đà đô thị hóa và sản xuất lương thực cũng tăng nhanh.
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 500.000 người trên thế giới (ở 22 quốc gia) bị nhiễm virus có sức chống lại kháng sinh. FAO hiện chủ trương hướng dẫn nông dân về các mối nguy hiểm của việc dùng kháng sinh nuôi gia súc hay tôm cá và yêu cầu tôn trọng nghiêm ngặt hơn những quy định trong việc sản xuất lương thực.
Marc Sprenger, Giám đốc Văn phòng Chống vi trùng thuộc WHO, nói: “Một số virus gây bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới đang chứng tỏ khả năng lờn thuốc kháng sinh”.
Năm 2016, báo cáo của chuyên gia kinh tế người Anh Jim O’Neill đã kết luận rằng, sẽ có 10 triệu người chết do việc virus lờn thuốc kháng sinh trong 35 năm tới đây nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng. Báo cáo dự báo tình trạng lờn thuốc kháng sinh có thể gây ra thiệt hại hàng ngàn tỷ USD vào năm 2050. FAO ủng hộ việc giáo dục nông dân về những nguy cơ khi sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi động vật và thực thi mạnh hơn các quy tắc quản lý sản xuất lương thực.
Châu Á dùng kháng sinh đại trà trong chăn nuôi
Theo báo cáo mới từ một mạng lưới các nhà đầu tư tài chính, việc chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở châu Á cũng đang gia tăng nguy cơ lây lan bệnh cúm gia cầm trên khắp khu vực, với nhiều chủng gây chết người đáng sợ.
Theo FAO, việc sử dụng kháng sinh ở gia cầm và trang trại heo sẽ tăng lên hơn 120% ở châu Á vào năm 2030. Một nửa số kháng sinh trên toàn cầu hiện nay được tiêu thụ ở Trung Quốc. Tập đoàn sản xuất thịt và thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc New Hope Group hiện là 1 trong 10 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất trên thế giới.
Mối đe dọa về cúm gia cầm, với chủng virus H7N9 mới nhất có thể gây tử vong nhiều hơn các chủng virus trước đó. Virus này làm chết 84% số người nhiễm bệnh trong 4 năm, kể từ khi bùng phát vào năm 2006. Các đơn vị bị ảnh hưởng ở Trung Quốc bao gồm các nhà cung cấp cho McDonalds và Walmart.
Các công ty lương thực châu Á đã nhanh chóng mở rộng sản xuất thịt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và thị hiếu của tầng lớp trung lưu gia tăng, nhưng việc mở rộng này đã gây tổn hại đến an toàn thực phẩm.
Nhà kinh tế Jeremy Coller thuộc tổ chức Coller Capital nhận định: “Các nhà đầu tư đang đổ vốn vào ngành kinh doanh protein động vật ở châu Á. Nhưng sự tăng trưởng này, đi kèm với sự bùng nổ trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra những vấn đề như phát thải và dịch bệnh, lạm dụng thuốc kháng sinh và lạm dụng lao động. Các nhà đầu tư phải cải thiện việc quản lý các vấn đề phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp thịt và sữa châu Á nếu họ muốn tránh đi vào con đường gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, việc triển khai các kỹ thuật hiện đại có thể giúp giảm tác động của việc nuôi trồng công nghiệp - ví dụ bằng cách sử dụng mã vạch để người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc trứng, thịt; giảm lượng khí nhà kính và cải thiện sức khỏe gia súc.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), lượng thịt tiêu thụ của Trung Quốc đã tăng 34 lần kể từ năm 1964. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong thập niên tới, với mức tiêu thụ dự kiến lên đến 144 triệu tấn vào năm 2025.
Nhu cầu thịt gia tăng được đáp ứng bằng sự xuất hiện ồ ạt số lượng các trang trại chăn nuôi, nơi hàng trăm tấn kháng sinh được sử dụng mỗi năm. Các loại kháng sinh nặng được sử dụng trong ngành công nghiệp chăn nuôi đang phát triển nhanh chóng này đã trở thành vùng đất để vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh bùng phát.
Bất chấp nguy cơ leo thang đối với sức khỏe con người, một lượng lớn các kháng sinh trên thế giới tiếp tục được chuyển hướng sang ngành nông nghiệp. Trung bình, 70% lượng thuốc kháng sinh trên thế giới đi vào chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Maryn McKenna, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và lương thực toàn cầu, đã giải thích: “Điều đáng ngại là kháng sinh còn được sử dụng trong việc thúc tăng cân nhanh hơn. Hơn nữa, các trang trại chăn nuôi thay vì sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho vật nuôi nhưng lại thường được sử dụng phòng bệnh. Điều đó càng làm thuốc kháng sinh mất tác dụng, vì theo thời gian vi khuẩn thích ứng để vượt qua kháng sinh”.
Việc sử dụng không hợp lý kháng sinh trong động vật, nông nghiệp và sức khỏe con người đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng đang nổi lên này. Sự lây lan của vi khuẩn kháng bệnh trong môi trường, sử dụng các loại thực phẩm dùng kháng sinh bừa bãi và bản thân con người dùng kháng sinh không đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ kháng thuốc kháng sinh.