Thậm chí, tại Khoa Tâm thần trẻ em của viện từng tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân mới chỉ học lớp 8-9, nhưng đã bị rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, chỉ vì lên mạng tới 5-6 giờ mỗi ngày, trong đó có cả lạm dụng game.
Theo TS-BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mới đây, đơn vị này tiếp nhận một cậu bé chỉ 15 tuổi nhưng ngày nào cũng cày game tới 4-5 giờ, chủ yếu là các game bắn giết nhau tới mức loạn thần, khiến gia đình phải đưa tới bệnh viện điều trị.
“Bệnh nhân nghiện game tới mức thần kinh bị ảo giác, ảo thanh và có biểu hiện quá khích, kích động mạnh khiến gia đình rất lo lắng. Do đó, bên cạnh điều trị cho bệnh nhân hết các cơn vật game, ảo giác, ảo thanh, các bác sĩ còn phải tư vấn cho gia đình cách phân bổ thời gian để cậu bé tham gia nhiều vào các hoạt động thể dục, thể thao, hạn chế tối đa sử dụng điện thoại và máy tính để cai game”, bác sĩ Nguyễn Doãn Phương cho hay.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều thanh thiếu nhi đến khám vì lý do nghiện game. Các em đa phần được đưa đến khám vì lý do khó chịu, cau có, hành xử hỗn hào với người lớn. Tìm hiểu sâu xa, do các em chơi game và quen với kiểu hành xử thiếu kiểm soát trong game, dẫn đến trục trặc trong mối quan hệ.
Điển hình là trường hợp một bé trai (12 tuổi) được cha mẹ đưa đến khám vì lý do thiếu kiềm chế khi tiếp xúc với người thân, bạn bè, thường xuyên dùng tiếng lóng, chửi thề. Sự việc lên đến đỉnh điểm, khi em bị một số bạn học chặn đường đánh. Tìm hiểu nguyên nhân, được biết em tham gia một trò chơi game online. Do đồng đội chơi cùng trong game, làm cả hai thua cuộc, nên em đã dùng lời lẽ thóa mạ nặng nề bạn này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70%-80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10%-15%.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, trẻ nghiện game nghĩa là dành quá nhiều thời gian với các trò chơi trong thế giới ảo, có nhiều trò mang màu sắc bạo lực, làm ảnh hưởng, thậm chí là ám ảnh, tác động đến suy nghĩ, hoạt động của cuộc sống ngoài đời thực. Vì thế, với những người chơi quá nhiều game bắn giết, đánh đấm nhau, có thể khiến tâm lý bị thay đổi tiêu cực.
Cùng với đó, hệ lụy của nghiện game, mạng xã hội có thể thấy rõ ràng là người dùng sẽ mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, giảm hiệu suất công việc, học tập, cho tới những tổn hại về sức khỏe và thần kinh, dẫn tới trầm cảm, tâm thần phân liệt.
Còn theo BS Hoàng Dương (Bệnh viện Nhi đồng 1), cai nghiện game vô cùng vất vả và cần nhiều thời gian điều chỉnh hành vi thói quen, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ gia đình, nhà chuyên môn, kể cả giáo viên ở trường và những người xung quanh. Có những trường hợp nghiện game đi kèm ảnh hưởng sức khỏe tâm thần phải kết hợp với bác sĩ chuyên khoa tâm thần để điều trị bằng thuốc.
Bác sĩ chỉ có thể chỉ định dùng thuốc khi bệnh nhân có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của nghiện game gây nên, như: mất ngủ, trầm cảm, hoang tưởng, âu lo, kích động. Do vậy, khi bản thân, cũng như các bậc phụ huynh thấy con em mình thường xuyên có những dấu hiệu trên, cần phải đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về tâm - thần kinh để điều trị.