Thông thường, đồng tiền yếu được coi là tin tốt cho các nhà xuất khẩu và các nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm bình thường do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các lệnh trừng phạt và cuộc xung đột Ukraine đang tác động đến mọi khía cạnh của nền kinh tế.
Đồng EUR trượt giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu vốn đang quay cuồng với lạm phát cao kỷ lục. Một đồng tiền yếu hơn sẽ làm cho hàng nhập khẩu, chủ yếu bằng USD, sẽ đắt hơn. Khi những mặt hàng như nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian có chi phí cao hơn, chúng có thể làm tăng giá nội địa.
Khả năng đồng EUR sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức ngang giá USD đã tăng lên trong những ngày gần đây, khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Đức, George Saravelos, đưa ra dự đoán, đồng EUR có thể giảm xuống mức 0,95-0,97USD/EUR.
Tình hình này đặt Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó. Nếu để đồng tiền chung châu Âu giảm sâu hơn nữa, có nguy cơ sẽ đẩy lạm phát vốn đã cao kỷ lục càng thêm cao, làm tăng nguy cơ giảm giá của đồng EUR. Nhưng nếu muốn ngăn chặn tình trạng đồng EUR giảm giá xuống mức thấp nhất trong 20 năm, ECB sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế đang đối mặt với suy thoái, thiếu khí đốt và chi phí năng lượng cao.
Về lý thuyết, ECB có thể can thiệp bằng cách bán đồng USD để hỗ trợ đồng EUR như đã từng xảy ra vào hơn 20 năm trước, khi đồng tiền này giảm xuống còn khoảng 0,83USD/EUR. Tuy nhiên, ECB đã đánh tín hiệu rằng ngân hàng này có thể sẽ không can thiệp trong thời điểm này, vì tỷ giá hối đoái “thực” của đồng EUR so với tiền tệ của các đối tác thương mại và được điều chỉnh theo lạm phát vẫn cao hơn so với mức ghi nhận được trong năm 2002, thời điểm gần nhất đồng EUR và USD giao dịch ngang nha.