Bộ phim Abominable đã công chiếu rình rang 10 ngày rồi mới bị ngưng chiếu vì sự phát hiện ngẫu nhiên của khán giả cuồng điện ảnh, thế nhưng phía nhà sản xuất là Dream Works của Hollywood và Pearl Studios (một xưởng phim có trụ sở ở Thượng Hải) đã từ chối vì không thể “gây hấn” làm mất đi thị trường Trung Quốc béo bở. Người ta hay nói rằng không có tình hữu hảo mãi mãi mà chỉ có quyền lợi cá nhân là mãi mãi, và trong trường hợp này chúng ta không mong chờ sự hy sinh, nhân nhượng từ phía các nhà tài phiệt của kinh đô điện ảnh Hollywood nếu biết rằng với hơn một tỷ dân, Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Bắc Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh số một thế giới.
Chưa kể, chế độ kiểm duyệt phim tại quốc gia này còn khắc nghiệt gấp nhiều lần Việt Nam, với “hạn ngạch” phim ngoại chỉ khoảng 40 suất (ở Việt Nam con số đó cao hơn gấp 5-6 lần).
Cho nên, để trụ lại, không làm mất miếng bánh béo bở thì chỉ còn cách làm vừa lòng nước chủ nhà với sự “liên kết sản xuất” và bối cảnh tiêu cực phải xảy ra bên ngoài Trung Quốc, như trong phim bom tấn World War Z (sản xuất năm 2013 với tài tử Brad Pitt thủ vai chính), địa điểm bùng phát dịch bệnh zombie (xác sống) đã phải chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên, không như kịch bản ban đầu. Đấy là chưa nói tới các diễn viên hạng A của Hollywood - vì những bất đồng quan điểm - sẽ không bao giờ được mời tham gia các dự án lớn có khả năng càn quét phòng vé.
Chưa bao giờ, quyền lực mềm văn hóa hay một cuộc chiến tranh phức hợp, chiến tranh lai, lại thể hiện rõ nét trong thực tế địa - chính trị như hiện tại. Nước Nga với tham vọng trở lại thời hoàng kim Xô Viết đã áp dụng cuộc chiến thông tin tổng lực trên mạng, trên các ấn phẩm thông tin truyền thông tại Ukraina và Trung Đông, đã chỉ rõ có thể chiếm được trái tim và khối óc không bằng tên lửa siêu thanh hay một cuộc chiến tranh sặc mùi khói thuốc. Trung Quốc cũng áp dụng chiến thuật tương tự và còn đi xa hơn khi bỏ ra hàng tỷ đô la để mua các hãng làm phim Hollywood. Bộ phim Transformers: Age of Extinction (2014) là một ví dụ khi truyền tải thông điệp ca ngợi sức mạnh khí tài quân sự và trình độ khoa học của quốc gia tỷ dân với cái kết chỉ có quân đội Trung Quốc mới cứu được nhân loại khỏi thảm họa người máy biến hình. Và Transformers: Age of Extinction trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc khi ấy với 300 triệu USD thu được. Nghĩa là nếu không kiểm duyệt được nội dung thì cách tốt nhất là mua đứt nhà sản xuất, và nếu không mua được bằng tiền thì sẽ mua được… bằng rất nhiều tiền.
Nói thế để thấy, chúng ta với nguồn lực hạn hẹp đã quá chủ quan khi để lọt những tác phẩm văn hóa nghệ thuật tác động trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, dân tộc. Bộ phim Biệt đội biển đỏ được chiếu với lý do “cho không, không phải mua bản quyền” là một minh chứng, và lần này lại là “đường lưỡi bò” trong bộ phim hoạt hình nêu trên, khiến dư luận bức xức. Hệ lụy của nó còn nghiêm trọng hơn khi đụng đâu là đó có vấn đề. Tháng 9-2019, Saigontourist đã vướng 15 ấn phẩm quảng bá du lịch tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn do đối tác Hồng Công cung cấp có in hình “đường lưỡi bò”. Và chưa hết, đến cuối tháng 10 này nhà sách Phương Nam cũng lại bị “đường lưỡi bò” gặm nhấm khi bán cuốn sách địa lý bằng tiếng Anh Atlas of the Word Picture Book (thông tin đang được kiểm chứng sau khi một facebooker tung lên mạng). Dù có hay không, cần biết rằng “đường lưỡi bò” phi pháp được Cục Khảo sát và bản đồ Trung Quốc phê duyệt, có mặt trong 42.822 mặt hàng. Trước đây nó chỉ có mặt trên bản đồ, atlas, giờ được mở rộng đến sách thực hành địa lý, sách lịch sử.
Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, không thể đánh đổi bằng mọi giá. Dù có hậu kiểm như trong ngành xuất bản hay tiền kiểm như trong điện ảnh - truyền hình, thì sự tỉnh táo, nhạy cảm chính trị, sự công tâm, trách nhiệm trước dân tộc là hết sức cần thiết, nhất là từ phía cơ quan quản lý văn hóa.