Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Hệ lụy do quá trình đô thị hóa nông thôn: Văn hóa làng xã đang bị mất dần

Sau hơn 20 năm đổi mới, bộ mặt nông thôn mới đã mở ra. Nét nổi bật nhất là đời sống cả vật chất và tinh thần của người nông dân đã được cải thiện rất nhiều. Thế nhưng, trước làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa ồ ạt, số phận của người nông dân ra sao và văn hóa làng xã (VHLX) sẽ biến động như thế nào là câu hỏi luôn làm các nhà nghiên cứu đau đầu.

Đô thị hóa “cưỡng bức”

Theo PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, VHLX mang bản sắc của một lối sống cộng đồng, nơi mà quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau. VHLX thể hiện trong mỗi gia đình với gia phong đã được chuẩn mực hóa từ lâu, được thể hiện bởi một nền văn học dân gian phong phú, cuộc sống lễ hội sống động. Mặt khác, VHLX cũng được thể hiện bằng cảnh quan thơ mộng của những con đường làng uốn lượn, hàng tre lả lướt, tiếng sáo diều dập dìu, kiến trúc cổ kính của đình chùa… Thế nhưng, tốc độ phát triển và đô thị hóa (ĐTH) càng nhanh thì càng sớm có sự xáo trộn đáng lo ngại diễn ra với VHLX.

Một nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu VHLX Việt Nam là PGS-TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc thuộc Viện KHXH Việt Nam, cho rằng, công nghiệp hóa (CNH), ĐTH là một xu thế tất yếu trên thế giới. Vấn đề quan trọng là tổ chức nó như thế nào và ở mức độ nào là hợp lý? Theo ông, 10 năm trở lại đây, ở nước ta đã diễn ra tình trạng trưng dụng, thu hồi đất đai ồ ạt, trong đó chủ yếu là đất ruộng của nông dân để xây dựng các khu đô thị mới, khu công nghiệp.

Cách làm nôn nóng, làm bằng được mà quên đi các giá trị nhân văn đã làm cho nhiều làng xã bị biến dạng nghiêm trọng về cảnh quan, không gian truyền thống và tệ hơn là đã làm cho nhiều người nông dân bị mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, dẫn đến các quan hệ xã hội và cả giá trị văn hóa truyền thống bị đảo lộn, mai một.

Theo TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, quá trình ĐTH diễn ra ào ạt trên diện rộng, nóng vội, đốt cháy giai đoạn - mà các nhà khoa học gọi đó là “đô thị hóa cưỡng bức”- đã khiến người nông dân bị “sốc” vì không kịp thích ứng, chuyển mình với môi trường sống mới.

Trong khi đó, những khoản đền bù về đất đai vốn đã thấp rẻ, người nông dân lại không biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Dần dần, họ trở nên trắng tay và phải dồn về khu vực trung tâm của đô thị để bán hàng rong, làm thuê và thậm chí tham gia vào cả các loại tệ nạn xã hội như gái mại dâm, trộm cắp.

Quá trình ĐTH nông thôn một cách nóng vội cũng làm nảy sinh những méo mó về văn hóa và xã hội. PGS-TS Bùi Xuân Đính nói: “Khi một ngôi làng lên phố thì tính cộng đồng bị phá vỡ hoàn toàn. Mối quan hệ trong một gia đình, dòng họ cũng bắt đầu trở nên lỏng lẻo”. Khi xã còn chưa trở thành phường, người nông dân cư xử với nhau bằng niềm tin, tình nghĩa và làng trở thành một “bức tường lửa” để ngăn chặn những tệ nạn và thói xấu từ bên ngoài. Nhưng khi làng lên phố, anh em, cha con có thể chửi rủa, thậm chí kiện cáo, đánh giết nhau chỉ vì 1 m2 đất vườn.

GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, người đã dành cả đời để nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cũng bày tỏ nỗi ưu tư trước tình trạng ĐTH, CNH tràn lan hiện nay. Theo ông, Mỹ Đình, Trung Hòa, Nhân Chính của Hà Nội là những thí dụ điển hình. Ở các “làng đô thị” hiện nay, có lẽ chỉ còn một nếp sinh hoạt văn hóa mang dấu ấn làng xã rõ ràng như một cách để níu kéo giá trị của làng truyền thống là khi bà con tổ chức lễ hội làng. Tuy vậy, việc tổ chức này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi những người “nhập cư” sẽ không tham gia mặc dù cũng sống trên địa bàn. PGS-TS Bùi Xuân Đính còn bổ sung, sau khi bị ĐTH, việc bảo tồn các di sản, di tích chẳng hạn như đình, chùa ở “làng đô thị” cũng khó khăn. Người ta không chỉ phai nhạt ý thức giữ gìn, tu bổ mà còn đua nhau xâm hại, lấn chiếm không gian di tích, di sản.

Phải có lộ trình

Ở ta hiện nay, nhiều người sống ở nông thôn vẫn thích được trở thành người phố thị! Họ cho rằng sống ở quê là không văn minh, lạc hậu. Câu cửa miệng “giàu có nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” đã “ăn” vào nếp nghĩ của nhiều người. Bởi vậy, dường như ai cũng tỏ ra lo lắng khi có một khu đô thị mới, một nhà máy mọc lên trên cánh đồng của làng mình nhưng chính họ cũng lại “mơ” có một đại lộ chạy qua làng, nằm kề sát làng là một khu du lịch lớn, sân bay, bến cảng, trong làng có nhiều nhà cửa khang trang, hàng quán lộng lẫy, có siêu thị, có vườn hoa… như ở đô thị.

GS-TS Ngô Đức Thịnh cho rằng quan điểm trên là không đúng. Bởi vì, vẫn có nhiều người sau thời gian từ quê ra phố chung sống với con cháu, lại đòi trở về quê vì không thích ứng được với cách sống của người đô thị. Nhiều người làm việc ở Hà Nội, khi về hưu lại muốn về quê để sống. Điều đó chứng tỏ, được sống ở làng nói riêng, nông thôn nói chung vẫn là nhu cầu của nhiều người. PGS-TS Bùi Xuân Đính lý giải thêm, môi trường sống ở làng quê có những chuẩn mực, giá trị, lợi ích riêng, và mặc dù môi trường sống ở đô thị là tiện nghi, hiện đại nhưng không phải cái gì của đô thị cũng tốt.

Thực sự thì người nông dân cần gì, nghĩ gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã gặp những nông dân hiện sống ở các làng quê thuộc khu vực “Hà Nội mới”. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng thôn Trại Do, xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai, Hà Tây), cũng như nhiều nông dân khác ở đây, bày tỏ: “Trở thành người thành phố hay cứ sống trong môi trường làng quê không quan trọng. Điều mà chúng tôi cần và cảm thấy hài lòng là được đáp ứng đầy đủ những tiện nghi như người thành phố, có công ăn việc làm và có nguồn thu nhập ổn định”.

PGS-TS Bùi Xuân Đính cũng chung quan điểm như vậy: “Nếu nông dân cũng có nước sạch, nước máy như người thành thị, cũng có hệ thống vệ sinh tự hoại, có siêu thị ngay trong làng, có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải, có internet, thậm chí muốn đi xe buýt chỉ cần ra đầu làng là có ngay, có thể đến nhà hát, rạp chiếu phim, hội chợ... thì họ cũng chẳng muốn sống trong không gian, môi trường đô thị”. Nhưng đó là những gì mà ở một nước đã phát triển mới có thể đáp ứng được.

Vậy giải pháp cũng như lối thoát cho tình trạng ĐTH diễn ra ào ạt, nóng vội hiện nay là gì? Cả GS-TS Ngô Đức Thịnh và PGS-TS Bùi Xuân Đính đều cho rằng, quá trình ĐTH, CNH phải diễn ra theo một lộ trình, không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Chí ít, nông dân phải có khoảng 5 năm để chuẩn bị về tâm lý, vốn liếng, kinh nghiệm, tay nghề, thực hiện chuyển đổi sản xuất, xác định phương hướng đầu tư… Đặc biệt, trong các đô thị, vẫn có thể duy trì mô hình như “làng trong phố” và để làm được như vậy thì phải có quy hoạch sớm và chuẩn mực.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, ở các nước phương Tây, họ cũng ĐTH nhưng không làm ồ ạt, các dự án công nghiệp được đẩy ra xa khu vực nông thôn, quy hoạch một cách bài bản, chuẩn xác. Bởi vậy, ở phương Tây, các thành phố luôn sầm uất và hiện đại nhưng đi ra khỏi thành phố, họ vẫn có những vùng nông thôn thuần túy, nông dân vẫn rất hài lòng với cuộc sống của mình.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục