Các nhà khoa học Nhật Bản từ Trung tâm Nghiên cứu chăm sóc sức khỏe RIKEN và Đại học Y khoa Keio đã phát hiện ra rằng những người sống “siêu” thọ, đến 110 tuổi trở lên, sở hữu lượng cực lớn số tế bào T-CD4 (một phân nhóm quan trọng nhất của tế bào lympho T, có chức năng nhận biết kháng nguyên lạ và điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể), giúp cho những người này miễn dịch với nhiễm trùng và ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích những mẫu tế bào miễn dịch từ 7 người “siêu” thọ và 5 người từ 50-80 tuổi. Trong nhóm đầu tiên, họ thu được 41.208 tế bào, trong khi ở nhóm sau chỉ là 19.994 tế bào.
Họ nhận thấy những người ở độ tuổi 110, mức độ tế bào B (một loại tế bào của phân nhóm tế bào lympho, hoạt động trong thành phần miễn dịch dịch thể của hệ thống miễn dịch thích nghi bằng cách tiết ra các kháng thể) đã giảm nhưng số lượng tế bào T vẫn duy trì bình thường.
Trong máu của những người siêu thọ, các tế bào CD4 chiếm tới 80% trong tổng số các tế bào T khác nhau, so với 10%-20% trong các mẫu đối chứng. Theo nhóm nghiên cứu, tế bào T-CD4 không phải là dấu hiệu của tuổi tác mà là một đặc điểm chung của những người siêu thọ.
Tế bào T-CD4 là kết quả của sự bành trướng vô tính, khi hàng triệu bản sao được hình thành từ một tế bào “tổ tiên” duy nhất. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm khi xảy ra, điều này giải thích cho việc có rất ít những người “siêu” thọ. Ví dụ, tại Nhật Bản năm 2015 có 61.000 người trên 100 tuổi đã được ghi nhận nhưng chỉ có 146 người trên 110 tuổi.