Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển của TPHCM, tại kỳ họp lần này, HĐND TPHCM sẽ thảo luận, xem xét các tờ trình của UBND TPHCM.
Cụ thể: tờ trình về xin chủ trương huy động vốn để đầu tư dự án cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2 theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (khoản vay số 4); tờ trình về điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2020; tờ trình về phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020; tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020; tờ trình về điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn vốn ngân sách thành phố; tờ trình về công nhận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo.
Đề xuất công nhận Thạnh An là xã đảo
HĐND TP đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về thông qua đề nghị công nhận xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) là xã đảo. Nghị quyết giao UBND TP hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận xã Thạnh An là xã đảo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chỉ đạo các sở ngành cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu, rà soát các chính sách ưu đãi đành cho xã đảo để triển khai áp dụng kịp thời, có hiệu quả khi xã Thạnh An được công nhận là xã đảo, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân xã Thạnh An.
Thạnh An là một trong 6 xã của huyện Cần Giờ, nằm ở phía Đông Nam TPHCM, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ, có diện tích hơn 13.000ha, với hơn 4.500 nhân khẩu. Toàn xã có địa hình trũng thấp, thường xuyên bị ngập triều, mật độ dân cư cao, không có khả năng mở rộng diện tích đất ở. Trên 5% dân cư có thu nhập thuộc diện hộ nghèo. Từ đặc điểm vị trí, điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội, xã Thạnh An có thể xem là vùng đặc biệt khó khăn của TPHCM. Xã Thạnh An cũng đảm bảo đủ 2/2 tiêu chí và 2/3 điều kiện để được công nhận là xã đảo.
Chia sẻ thêm trong phần thảo luận, ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm - Phó Bí thư huyện Cần Giờ thông tin, xã Thạnh An hiện nay có 3 ấp, Thạnh Hòa, Thạnh Bình và ấp Thiềng Liềng. Về giao thông, bà con ở đây chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông là xe gắn máy và đi bộ, không có ô tô vì tổng chiều dài các tuyến đường chỉ vài km. Sau này trong quá trình quản lý cơ sở hạ tầng giao thông thì rất thân thiện môi trường.
Cạnh đó, hiện nay xã đang thực hiện mô hình xây dựng xã xanh, sạch, thân thiện và giảm tối đa việc sử dụng túi nilon. Từ 2019 đến nay, việc giảm sử dụng túi ni lông đã trên 80% và Cần Giờ cũng đang xây dựng “không sử dụng túi nilon gây hại môi trường trên địa bàn xã”. Vấn đề thu gom rác hiện đã thu gom hàng ngày và chở bằng ghe từ xã Thạnh An về địa bàn trung tâm huyện, xử lý ở bãi rác Đa Phước. Cho nên phương án xây dựng xã Thạnh An xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường sẽ khả thi trong thời gian tới nếu như xã được công nhận là xã đảo.
Tăng vốn cho các dự án có tiến độ tốt
HĐND TP cũng thảo luận và thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 153 dự án và một chương trình với tổng số vốn điều chỉnh giảm hơn 630 tỷ đồng, trong đó tăng vốn cho 127 dự án, tăng hơn 1.185 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm vốn 26 dự án, giảm hơn 1.569 tỷ đồng và một chương trình giảm hơn 245 tỷ đồng.
Lý do điều chỉnh giảm, theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đây là các chương trình, dự án không thể sử dụng hết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giảm khối lượng thực hiện theo thực tế và giảm kế hoạch theo giá trị quyết toán được phê duyệt. Do đó UBND TP đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn để bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt, có nhu cầu điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các dự án được điều chỉnh tăng vốn là các dự án đã được HDND TP bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2020 và có tiến độ thực hiện tốt, tỷ lệ giải ngân cao, cần điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 để tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nghị quyết của HĐND TP giao UBND TP cần có giải pháp đủ mạnh để tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành ngân sách. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trong lĩnh vực giáo dục, chương trình, dự án công nghệ thông tin, các dự án phục vụ dân sinh; hạn chế tình trạng chênh lệch quá lớn giữa số liệu quyết toán dự án hoàn thành với tổng mức đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cần lưu ý đối với các dự án có bồi thường giải phóng mặt bằng, người dân đã đồng thuận bàn giao đất nhưng chậm thực hiện dẫn đến không giải ngân được kế hoạch vốn đã giao.
Đồng thời có hướng xử lý đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, đã hết thời hạn thực hiện dự án theo quy định nhưng chưa được bố trí vốn để thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác liên quan.
Với nội dung về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn vốn ngân sách thành phố, HĐND TP thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm hơn 3.621 tỷ đồng, nguyên nhân do khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, chủ yếu do vướng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dẫn đến việc chủ đầu tư phải đề xuất điều chỉnh giảm vốn.
Đồng thời điều chỉnh tăng vốn hơn 3.632 tỷ đồng để bổ sung vốn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đã hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý theo quy định.
Bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn vốn ngân sách TP do thay đổi khả năng huy động các nguồn vốn với tổng số vốn bổ sung là 2.860 tỷ đồng để điều chỉnh tăng vốn cho 167 dự án đã được bố trí kế hoạch đầu tư công.
Huy động vốn cho dự án cải thiện môi trường nước TPHCM
HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết cho phép UBND TPHCM huy động vốn để đầu tư Dự án “Cải thiện Môi trường nước TPHCM, lưu vực Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ, giai đoạn 2” theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Dự án bao gồm 6 gói thầu xây lắp chính. Nhu cầu vốn để hoàn thành dự án là 8.878 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin, dự án chia làm 4 hợp đồng vay của Chính phủ. Đến nay, đã có 3 Hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản được ký kết với tổng giá trị gần 35.700 triệu Yên. Về khoản vay lần 4 (khoản vay cuối cùng của dự án), là 10.813 triệu Yên (khoảng 2.378 tỷ đồng), để hoàn thiện dự án.
Dự án có mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa nhằm chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của TPHCM và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ theo đúng Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết về phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020 với tổng khối lượng phát hành là 2.000 tỷ đồng; thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2020 với tổng mức vay là 14.190 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ cho vay lại.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TPHCM đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban Đô thị, HĐND TPHCM khóa IX đối với Đại biểu Trương Trung Kiên do nhận công tác khác – giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức. |