Những vấn đề cử tri quan tâm khi sáp nhập
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM bày tỏ tin tưởng các đại biểu sẽ phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, chất vấn, phân tích, làm rõ những tác động tích cực và những hạn chế phát sinh liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.
Thảo luận tờ trình của UBND TP về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM giai đoạn 2019-2021, các đại biểu cho biết qua tiếp xúc, cử tri thành phố bày tỏ sự đồng tình với chủ trương sắp xếp, đồng thời cũng nêu những vấn đề cần quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, người dân các nơi cần sắp xếp có sự đồng thuận cao, đó là kết quả đáng mừng, cho thấy chủ trương hợp lòng dân.
Bên cạnh đó, người dân cũng quan tâm đến các vấn đề như tổ chức, bộ máy để vận hành đơn vị hành chính mới, đảm bảo sự phát triển đột phá của “Thành phố Thủ Đức”, với đội ngũ cán bộ phải có đạo đức, tầm nhìn phù hợp với sự phát triển mới.
Người dân cũng còn băn khoăn về chuyển đổi giấy tờ hành chính, đề nghị Sở Nội vụ TPHCM phải tham mưu, làm việc với các nơi để đảm bảo cho người dân chuyển đổi giấy tờ nhanh chóng, ít phiền hà và không bị nhũng nhiễu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu ý kiến cử tri các quận 2, 9, Thủ Đức cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân, để một TP mới sẽ làm những điều mới mẻ, chứ không phải ngồi lại giải quyết những chuyện cũ. Ngoài ra, người dân cũng góp ý về việc đặt tên cho thành phố mới.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng nêu thêm ý kiến cử tri cho rằng cần có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự của thành phố mới có 1 triệu dân.
Tán thành chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức
Tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND TPHCM có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, HĐND TPHCM tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM trong giai đoạn 2019-2021.
Cụ thể, về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện: Nhập toàn bộ 49,79km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 171.000 người của quận 2 và toàn bộ 113,97km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 310.000 người của quận 9 với toàn bộ 47,8km2 diện tích tự nhiên, dân số hơn 532.000 người của quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới, đặt tên là Thành phố Thủ Đức. Sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức có diện tích tự nhiên 211,56km2, dân số hơn 1 triệu người.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tại quận 2: nhập toàn bộ phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm, sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có diện tích tự nhiên 3,253km2, dân số 428 người. Nhập toàn bộ phường Bình Khánh vào phường Bình An, đặt tên phường An Khánh, với diện tích tự nhiên 3,923km2, dân số hơn 23.000 người.
Tại quận 3, nhập toàn bộ phường 6 và phường 7 vào phường 8, đặt tên phường Võ Thị Sáu với diện tích 2,196km2, dân số hơn 36.000 người.
Tại quận 4, nhập toàn bộ phường 5 vào phường 2, sau khi nhập phường 2 có diện tích 0,356km2, dân số hơn 17.000 người. Nhập toàn bộ phường 12 vào phường 13, sau khi nhập phường 13 có diện tích 0,845km2, dân số hơn 18.500 người.
Tại quận 5, nhập toàn bộ phường 15 vào phường 12, sau khi nhập phường 12 có diện tích 0,571km2, dân số hơn 17.000 người.
Tại quận 10, nhập toàn bộ phường 3 vào phường 2, sau khi nhập phường 2 có diện tích 0,301km2, dân số gần 25.000 người.
Tại quận Phú Nhuận, nhập toàn bộ phường 12 vào phường 11, sau khi nhập phường 11 có diện tích 0,385km2, dân số hơn 15.500 người. Nhập toàn bộ phường 14 vào phường 13, sau khi nhập phường 13 có diện tích 0,291km2, dân số hơn 16.000 người.
Nghị quyết của HĐND TPHCM cũng giao UBND TPHCM hoàn tất hồ sơ đề án, báo cáo Bộ Nội vụ để trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Như vậy, theo chủ trương sắp xếp, TPHCM giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện, còn 22 đơn vị gồm 16 quận, một thành phố và 5 huyện; giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã.
Bà Phạm Quỳnh Anh được bầu làm Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Tại kỳ họp, các đại biểu đã bỏ phiếu bầu đại biểu Phạm Quỳnh Anh làm Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP đối với bà Phạm Quỳnh Anh. Sau đó, bà Phạm Quỳnh Anh được giới thiệu để các đại biểu bầu bổ sung chức danh Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả, đại biểu Phạm Quỳnh Anh nhận được 86/87 phiếu bầu của các đại biểu có mặt. Đại biểu Phạm Quỳnh Anh sinh năm 1981, quê tỉnh Ninh Bình, tham gia công tác từ tháng 8-2004, trình độ chuyên môn Thạc sĩ Luật, Cao cấp Lý luận chính trị, được bầu bổ sung chức danh Phó Ban Pháp chế HĐND TPHCM tại kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX (ngày 8-12-2019). Tại kỳ họp, UBND TPHCM cũng có tờ trình miễn nhiệm Ủy viên UBND TP khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Đông Phong, nguyên Giám đốc Công an TPHCM đã nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí theo quy định từ 1-7-2020; ông Nguyễn Phước Trung, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghỉ hưu theo quy định từ 1-5-2020; ông Trương Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ nghỉ hưu từ 1-9-2020. Các đại biểu cũng bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao; ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM. |