Đề nghị đại biểu có những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, trong bối cảnh đó, TPHCM đã thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, một số ngành nghề, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, ngành du lịch và người lao động trên lĩnh vực du lịch chịu những tác động nghiêm trọng với lượng khách quốc tế đến TPHCM chỉ đạt 1,3 triệu lượt người (giảm 69%), doanh thu ước đạt 28,3 ngàn tỷ đồng (giảm 58%). Sản xuất công nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Lĩnh vực dịch vụ giảm do thực hiện giãn cách xã hội.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, và tác động xấu đến ngành du lịch, xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng phát triển và những chính sách hỗ trợ phù hợp. Chính vì vậy, tại kỳ họp lần này, HĐND TPHCM sẽ xem xét, thông qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2020; tập trung thảo luận, đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm nhằm đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Kỳ họp cũng xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh...
Đồng thời kỳ họp sẽ xem xét các tờ trình của UBND TPHCM: Tờ trình về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020; Tờ trình về Điều chỉnh giảm dự toán chi ngân sách năm 2020 của các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TPHCM; Tờ trình các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường - xã , thị trấn; Tờ trình về tiếp tục kéo dài chương trình Sữa học đường...
Trong kỳ họp, các đại biểu sẽ tham gia góp ý các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI Đảng bộ TPHCM; góp ý hoàn thiện "Đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TPHCM". Các đại biểu cũng cùng thảo luận, xem xét, lựa chọn và quyết định nội dung giám sát của HĐND TPHCM trong năm 2021 phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chất vấn, phân tích làm rõ những mặt còn hạn chế, từ đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ thật sự hiệu quả cho việc khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch sau dịch bệnh. “Rất mong các đại biểu HĐND TPHCM thể hiện vai trò trách nhiệm trong từng nội dung kỳ họp, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của TPHCM và có những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu.
Tháng 9-2020, tái định cư cho người dân ngoài ranh Thủ Thiêm
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trình bày báo cáo kết quả thực hiện chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất khoảng 4,39ha thuộc khu phố 1, phường Bình An (quận 2), theo Nghị quyết 40/NQ-HĐND ngày 6-10-2019 của HĐND TP. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu đất 4,39ha nêu trên nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Vì vậy, HĐND TPHCM thông qua chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân có nhà, đất trong khu đất 4,39ha đã nêu. Thực hiện chính sách này, UBND TP ban hành chính sách cụ thể.
Theo đó, UBND TPHCM phê duyệt hệ số hoán đổi để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đơn giá đất tại các khu tái định cư. Đây là căn cứ tính bù trừ chênh lệch diện tích hoặc giải quyết chi bằng tiền cho người dân ở khu đất 4,39ha. Ngoài ra, UBND TP cũng phê duyệt chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các trường hợp bị thu hồi đất trong phần diện tích 4,39ha.
Về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật để phân lô nền đất tái định cư, UBND TPHCM thông tin, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 và Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng (BQLĐT-XD) KĐTM Thủ Thiêm đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ 1/500 của 23 lô đất thuộc Khu chức năng số 7 trong KĐTM Thủ Thiêm và 2 lô đất thuộc khu đô thị chỉnh trang 294,6ha (nằm kế cận KĐTM Thủ Thiêm). Đây là cơ sở bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc khu đất 4,39ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2).
UBND TP khẳng định, các chính sách cũng như bảng chiết tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất được công khai trong tháng 6-2020. Các đơn vị liên quan tiếp tục và hoàn thành việc tiếp xúc, vận động, hiệp thương từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong tháng 7-2020. Trên cơ sở đó, trong tháng 8-2020 sẽ xử xử lý, hoàn tất toàn bộ hồ sơ và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với từng trường hợp. Dự kiến, trong tháng 9-2020 sẽ hoàn tất công tác bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ gia đình, cá nhân liên quan.
Thời điểm của kết nối, kết nối và kết nối
Cũng tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm báo cáo về kết quả xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của TPHCM giai đoạn 2017-2019 và các giải pháp thực hiện trong năm 2020.
Năm 2019, PCI của TPHCM đã chuyển từ nhóm các tỉnh thành có chỉ số Năng lực cạnh tranh “khá” thành nhóm “tốt”. Điều này chứng minh TPHCM đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhưng sự chuyển biến chưa thật sự mạnh mẽ.
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, trong năm 2020, UBND TPHCM áp dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian. "UBND TPHCM sẽ tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất. TPHCM tập trung kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp sản xuất, kết nối doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối, kết nối doanh nghiệp TPHCM với doanh nghiệp các địa phương trong và ngoài nước, nhằm hình thành các mối quan hệ hợp tác kinh doanh", Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định.
Về chỉ số PAR Index, năm 2017, TPHCM đạt 83,5/100 điểm; xếp thứ 10/63 tỉnh, thành theo số điểm. Năm 2018, TP đạt 79,63/100 điểm; vẫn xếp thứ 10, thứ tự vị trí không thay đổi nhưng giảm 3,87 điểm so với năm 2017. Năm 2019, TPHCM đạt 83,56/100 điểm; xếp vị trí thứ 7/63, tăng 3 bậc và tăng 3,93 điểm so với năm 2018. Qua đó cho thấy, công tác cải cách hành chính có sự quan tâm tại TPHCM, nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu.
Kết quả khả quan về kinh tế - xã hội Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, TPHCM đạt được kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2020: Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt hơn 163.200 tỷ đồng (đạt 40,2% dự toán); Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm dự ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Khối lượng đầu tư công được giải ngân triển khai trên thực tế đạt gần 18.000 tỷ đồng (đạt 43% kế hoạch vốn), gấp hơn 4 lần về giá trị tuyệt đối, hơn 3 lần về tỷ lệ so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 614.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. |