Dự kiến, kỳ họp sẽ nghe UBND TP báo cáo chương trình cải cách hành chính “Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TPHCM”; tờ trình về tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2018 của TPHCM.
Đặc biệt, dự kiến chương trình cũng sẽ nghe UBND TP trình bày các tờ trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Theo đó, tại kỳ họp này, UBND TP sẽ trình tờ trình về chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở ban ngành, các khu công nghệ cao; tờ trình và đề án thực hiện và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; tờ trình tăng phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường; tờ trình về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP.
Trải thảm đỏ thu hút nhân tài, tăng thu nhập cho cán bộ
Đây là 2 đề án cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Mục tiêu các đề án là nhằm hướng đến xây dựng bộ máy nhà nước thật sự tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, góp phần kiến tạo sự phát triển của TPHCM bền vững.
Trong đó, đề án thu hút nhân tài tập trung thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với phát triển khoa học - công nghệ. TPHCM mong muốn khi thực hiện đề án này sẽ tạo động lực hình thành và phát triền nguồn chuyên gia, tư vấn, có khả năng hoạch định chiến lược và tham mưu cho lãnh đạo TPHCM xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM.
TPHCM cũng có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Theo đó, cứ mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp TP trở lên được duyêt thì được hỗ trợ với mức không thấp hơn 50 triệu đồng/người và mức hỗ trợ tố đa là 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu…
Ngoài ra, chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu nhà ở thì được xem xét, bố trí nhà ở công vụ. Đồng thời, TPHCM cũng sẽ xem xét hỗ trợ 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập phát sinh theo chính sách thu hút nhân tài của TPHCM.
Bên cạnh đó, chính quyền TPHCM cũng đề xuất căn cứ vào vào hiệu quả công việc để điều chỉnh hệ số tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Mức hỗ trợ tối đa trong năm 2018 là 0,6 lần. Đến 2020, TPHCM tăng tối đa 1,8 lần.
Thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, UBND TP tính toán, ngân sách TPHCM cần hơn 2.340 tỷ đồng để chi cho hơn 11.600 công chức; gần 122.160 viên chức và 6.440 cán bộ không chuyên trách xã - phường - thị trấn.
Thu phí đỗ ô tô theo giờ, tăng phí bảo vệ môi trường
UBND TPHCM đề xuất thu phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường với mức cao hơn 20%-25% so với giá giữ xe của các bãi giữ xe tại các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng trên địa bàn TP. Mức thu phí mới gần bằng giá giữ xe ở Hà Nội, Đà Nẵng.
TPHCM dự kiến chỉ thu phí dừng, đỗ xe ô tô từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, ngoài khung giờ này sẽ không phải đóng phí.
Về mức cụ thể, UBND TP đề xuất thu 25.000-30.000 đồng cho một giờ đậu xe. Do TPHCM thay đổi phương thức thu, tính lũy tiến theo giờ nên những ô tô dừng, đỗ lâu sẽ phải đóng phí cao hơn. Cụ thể, mức phí cao nhất 170.000 đồng/ô tô trong 5 giờ đầu tiên.
Người đỗ xe thanh toán tiền thông qua hình thức nhắn tin trừ tiền trong tài khoản trong điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa hoặc nộp tiền qua trụ tự động.
Theo tính toán ban đầu, nếu đề án được thông qua, tính riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, dự kiến mỗi tháng thu được khoảng 30 tỷ đồng.
Liên quan đến phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, UBND TP cho biết hiện trên toàn địa bàn TP có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng gần 143.500m³ mỗi ngày đêm). Mỗi năm, TPHCM thu được 8 tỷ đồng.
UBND TPHCM đề xuất tăng phí đối với nhóm này. Một trong những căn cứ tính toán mức tăng cụ thể, UBND TP đề nghị đo nồng độ ô nhiễm trong nước thải để áp phí.
Cũng trong nhóm này, TPHCM thống kê hiện trên địa bàn có hơn 520 cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế với tổng lượng nước thải hơn 22.260m³/ngày đêm. Ngoài ra, các cơ sở xử lý chất thải rắn cũng thải gần 8.000m³/ngày đêm). Tuy vậy, 2 nhóm này lâu nay không phải chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Vì vậy, UBND TP HCM đề xuất bổ sung vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp, để đảm bảo công bằng, giảm xả thải ô nhiễm.
Theo tính toán ban đầu, sau khi tăng phí, bổ sung đối tượng thu phí, mỗi năm TPHCM thu được 60 tỷ đồng.