Tham dự kỳ họp có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM…
Cụ thể, HĐND TPHCM xem xét tờ trình về mức thu lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn TPHCM. Tờ trình có quy định về mức thu lệ phí cụ thể, trường hợp miễn, giảm lệ phí; sử dụng số tiền thu lệ phí; tăng tính minh bạch trong thu lệ phí…
Đặc biệt, kỳ họp xem xét tờ trình về chủ trương xây dựng chính sách, giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung với người dân trong khu đất 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên quan xử lý sau thanh tra của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TPHCM đã xác định nhiệm vụ quan trọng mà UBND TPHCM tập trung là xây dựng kế hoạch và các phương án cụ thể về chính sách bồi thường, tái định cư trong khu đất khoảng 4,3 ha ở phường Bình An, quận 2.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhận xét việc HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp lần thứ 16 (kỳ họp bất thường), theo đồng chí rất cần thiết, nhằm xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là đối với người dân Thủ Thiêm.
“TPHCM xác định đầu tư, xây dựng KĐTM Thủ Thiêm là xây dựng khu đô thị để phát triển bền vững”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Khu đô thị này phải kết hợp chặt chẽ với các điều kiện cảnh quan tự nhiên, tạo không gian mở, tiện ích dịch vụ công cộng. Từ các định hướng này, KĐTM Thủ Thiêm đã từng bước được hình thành.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trân trọng ghi nhận và chân thành cám ơn người dân thành phố trong các khu vực quy hoạch đã chấp hành di dời. Đồng chí cũng chia sẻ những khó khăn, xáo trộn trong cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, để thành phố triển khai được các dự án phát triển.
Về chính sách bổ sung cho một số người dân thuộc khu vực hơn 4,3 ha đất ở khu phố 1, phường Bình An (quận 2), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các nội dung này được xem xét, bàn bạc và thảo luận thấu đáo nhiều lần, từ đó xây dựng dự thảo chính sách bổ sung. Do đó, đồng chí mong muốn các đại biểu nghiên cứu thấu đáo các chính sách này, thảo luận và có các góp ý mang tính toàn diện để HĐND TPHCM ban hành nghị quyết, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Thông tin thêm về kết quả Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 32 vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý, thời điểm này thành phố bước vào 90 ngày thi đua cao điểm để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2019. Do đó, bên cạnh việc tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thì cần tiếp tục tập trung thực hiện chủ đề năm 2019 là đột phá cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội; đẩy mạnh thực hiện đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, tiếp tục khơi dậy phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết năng động, sáng tạo. Việc này là rất có ý nghĩa trong việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cả năm 2019 và từ đó tạo tiền đề cho năm 2020.
Trong khu vực 4,3 ha có 331 hộ dân. TPHCM đã tiếp xúc, lấy ý kiến 308 hộ dân (23 hộ có mời nhưng không đến hoặc không liên lạc được). Kết quả, 172 hộ (55,8%) đồng ý với chính sách dự kiến; 108 hộ (35%) cơ bản đồng ý với chính sách dự kiến nhưng đề nghị xem xét, làm rõ một số nội dung trong chính sách. Có 27 hộ (8,7%) không đồng ý với chính sách dự kiến. Ngoài ra, 1 hộ đến tiếp xúc nhưng không đồng ý ký biên bản. Bên lề kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ với báo chí hiện nay, UBND TPHCM đang tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đó là những vấn đề liên quan đến khu đất 4,3 ha; những nội dung liên quan đến 5 khu phố ở 3 phường và giải quyết các khiếu nại của một số hộ dân khiếu nại về chính sách bồi thường. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ với báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG Dự kiến tháng 11-2019, UBND TPHCM sẽ công bố các giải pháp đối với 5 khu phố ở 3 phường. Đối với những vấn đề liên quan đến khiếu nại của một số hộ dân, TPHCM sẽ cố gắng giải quyết trong năm nay, theo hướng tính toán bổ sung quyền lợi cho người dân. Tại kỳ họp này, UBND TPHCM đề xuất ưu tiên giải quyết chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với người dân ở khu đất 4,3ha. Đối với các hộ dân này, trước đây TPHCM đã thực hiện bồi thường. Nay, thực hiện theo kết luận Thanh tra Chính phủ, UBND TPHCM tiếp tục có chính sách bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay. Việc bồi thường trên tinh thần làm sao có lợi nhất cho người dân, thể hiện ở các điểm. Theo đó, TPHCM xem tất cả các loại đất không phải là đất ở cũng xem là đất ở để bồi thường cho người dân. Ngoài ra, TPHCM áp dụng chính sách bồi thường tại thời điểm 2019 chứ không phải là bồi thường theo thời điểm mười mấy năm trước. Khu vực 4,3 ha này vẫn được thực hiện quy hoạch nên không thể tái định cư tại chỗ. UBND TPHCM có 3 phương án bồi thường: bằng tiền, bằng nền đất tái định cư hoặc nhà tái định cư. Người dân có quyền lựa chọn một trong 3 phương án này. Tuy nhiên, UBND TPHCM đề xuất người dân nhận đất nền tái định cư hoặc nhà tái định cư, sẽ tốt hơn so với việc nhận tiền. Bởi vì, UBND TPHCM áp dụng hệ số quy đổi có lợi cho người dân. Cụ thể, cùng khoản tiền tái định cư đó, người dân có thể chuyển sang nhận nền đất hoặc nhà tái định cư, có giá trị tương đối sát với giá trị thị trường. Nói nôm na, trường hợp người dân nhận tiền thì với quy định hiện nay, số tiền bồi thường nhận được sẽ ít, rất khó mua nhà, đất thị trường. Trong khi đó, cũng với số tiền đền bù đó, thay vì nhận tiền, người dân nhận nền tái định cư, nhà tái định cư (giá mềm) thì người dân có thể giao dịch lại giá cao. TPHCM tính toán để người dân có thể quy đổi và không bị thiệt thòi. Trong việc chi trả bồi thường bổ sung, người dân có thể hoàn trả lại khoản bồi thường đã nhận để nhận lại toàn bộ theo giá trị hiện nay. Trường hợp không hoàn trả, người dân sẽ nhận phần chênh lệch giữa mức bồi thường trước đây và bổ sung hiện nay. Về việc chi bồi thường bổ sung, TPHCM sẽ có kế hoạch cụ thể, chiết tính đối với từng trường hợp và thông báo đến người dân. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM đã chuẩn bị đầy đủ về quỹ nhà, đất tái định cư để bố trí cho người dân. |
Ô tô con đăng ký mới đóng lệ phí cấp cà vẹt, biển số 20 triệu đồng Trung bình mỗi tháng tại TPHCM có khoảng 30.000 phương tiện đăng ký mới. Trong đó ô tô đăng ký mới chiếm 15%, tiếp tục duy trì ở mức cao và gia tăng về số lượng ô tô đăng ký mới (trước đây chỉ chiếm khoảng 10%). Về tờ trình mức thu lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, thông tin biểu mức thu này cơ bản không thay đổi so với trước. UBND TPHCM chỉ đề nghị điều chỉnh về đối tượng chịu mức thu, không còn quy định việc kinh doanh vận tải hành khách mà chỉ quy định về số chỗ ngồi (đối với xe chở người) làm căn cứ áp dụng mức thu. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG UBND TPHCM đề nghị áp dụng mức thu cao nhất theo quy định tại Thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính. Cụ thể, ô tô (trừ xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống) thu 500.000 đồng/lần/xe; ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống thu 20 triệu đồng/lần/xe. Sơ mi rơ moóc, rơ moóc đăng ký rời, mức thu là 200.000 đồng/lần/xe. Xe máy (tính theo lệ phí trước bạ), trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống thu 1 triệu đồng/lần/xe; xe trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng thu 2 triệu đồng/lần/xe; xe trị giá trên 40 triệu đồng thu 4 triệu đồng/lần/xe. Kỳ họp cũng bầu bổ sung 2 ủy viên UBND TPHCM đối với Chánh Văn phòng UBND TPHCM Hà Phước Thắng và Chánh Thanh tra TPHCM Đặng Minh Đạt. |