Xem xét, thông qua 67 nội dung
Tham dự kỳ họp có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu HĐND TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 5 tới 8-12, dự kiến xem xét, thông qua 67 nội dung, trong đó xem xét 25 báo cáo và 42 nội dung ban hành nghị quyết. Trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng, như: HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của TP Hà Nội; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của TP Hà Nội năm 2023 và dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2024 (gồm phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công năm 2024; cập nhật cơ cấu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố). Báo cáo về tình hình thực hiện và trình điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025. Báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP Hà Nội năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024…
Đáng lưu ý, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét 42 nội dung ban hành nghị quyết, trong đó, 34 nội dung nghị quyết chuyên đề, như: Điều chỉnh Kế hoạch tài chính 5 năm TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật cơ cấu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của TP Hà Nội; Thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Nghị quyết thông qua đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, HĐND TP Hà Nội cũng xem xét thông qua các nghị quyết về dân sinh, như: Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024-2025. Đặc biệt, kỳ họp dành 1 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND TP Hà Nội và cử tri Thủ đô quan tâm.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được của TP Hà Nội trong năm 2023, qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND TP Hà Nội cho thấy, vẫn còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục. “Đề nghị các đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội
Trong khi đó, phát biểu tại phiên khai mạc, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đây là kỳ họp rất quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và xem xét, quyết định những giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024, các cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phát triển Thủ đô trong thời gian tới và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TP Hà Nội bầu.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2023, là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020 – 2025). TP Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; các cấp, các ngành đã quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; quy tụ đoàn kết, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Về kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Ước cả năm 2023, GRDP của TP Hà Nội tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; Thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch đến thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4,5%.
“Những thành quả đạt được nêu trên là sự nỗ lực của toàn đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy; việc cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách của HĐND TP Hà Nội; sự điều hành, quản lý, triển khai của UBND TP Hà Nội; sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan trung ương, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội và sự đóng góp, ủng hộ của cử tri và nhân dân Thủ đô”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu theo Quy định số 96 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96 của Quốc hội