Theo công bố của Forbes, trong “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2021, HDBank là một trong những ngân hàng TMCP được đánh giá cao ở các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016- 2020; Forbes Việt Nam ghi nhận mức phát triển bền vững của HDBank ở các tiêu chí: vị thế của HDBank trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, HDBank được Forbes vinh danh trong top những doanh nghiệp niêm yết tốt nhất.
Cùng với HDBank, các ngân hàng lớn khác như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, VPBank, MB… cũng nằm trong danh sách năm nay. Top 50 cũng ghi nhận các tên tuổi khác như: Vinamilk, Petrolimex, Bảo Việt, FPT…
Cùng ngày, HDBank tiếp tục được ghi nhận trong danh sách top 10 Bảng xếp hạng các doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2021
Với chiến lược kinh doanh linh hoạt và tích cực trong các hoạt động cộng đồng, HDBank có năm thứ 3 liên tiếp nằm trong danh sách các doanh nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ khi đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu của Bộ chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI) do VCCI đánh giá.
Kết quả xếp hạng cho thấy HDBank đã áp dụng tích cực CSI vào quá trình hoạt động ngân hàng, hoàn thiện mô hình kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, người lao động, cổ đông và cộng đồng xã hội.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, HDBank đã thực hiện miễn giảm lãi suất cho khách hàng ở lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 và cả nhóm khách hàng tại khu vực bị phong tỏa, giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16, với tổng dư nợ gần 49.000 tỷ đồng, tương ứng với gần 18.000 khách hàng. Bên cạnh đó, HDBank cũng đồng hành tài trợ Quỹ Vaccine phòng Covid 19 của quốc gia, tài trợ các vật phẩm y tế cứu chữa người trong dịch bệnh với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Đóng góp cho sự phát triển Kinh tế Xanh và tăng trưởng bền vững của Việt Nam, HDBank đã tiên phong “xanh hóa” dòng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo cùng phương án sản xuất thân thiện với môi trường. Từ năm 2018, HDBank đã bắt đầu triển khai tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam. HDBank cung cấp cho khách hàng những giải pháp tài chính tốt nhất hướng tới những giá trị bền vững, giúp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, HDBank đã giải ngân đến hơn 13.000 tỷ đồng vào các dự án tài trợ xanh.
Đầu tháng 11-2021, HDBank và DEG (định chế Tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thu xếp nguồn vốn trị giá từ 200-300 triệu USD. Đồng thời HDBank và Proparco (Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ tín dụng dài hạn trị giá 100 triệu USD. Các thỏa thuận đặt trên nền tảng hợp tác vì sự phát triển bền vững, tạo dựng các giá trị lâu dài cho nền kinh tế cũng như cộng đồng, xã hội.
Trước đó, tháng 10-2021 HDBank và Quỹ Đầu tư Quốc tế Affinity cũng ký kết Thoả thuận hợp tác về việc hỗ trợ và huy động vốn cho HDBank dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trị giá 300 triệu USD, nhằm tài trợ cho các chương trình đáp ứng tiêu chí (ESG (Environmental, social and corporate governance – Môi trường, xã hội và chính trị), phát triển bền vững.
HDBank cũng là ngân hàng có hệ thống quản lý rủi ro hiện đại, hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Ngân hàng đang triển khai việc nâng cấp áp dụng tiêu chuẩn Basel II lên Basel III. Trong bối cảnh kinh tế thế giới, Việt Nam đối diện nhiều thách thức do dịch bệnh, HDBank được Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s duy trì mức xếp hạng B1 và nâng mức triển vọng từ Ổn định lên Tích cực.
Tại thời điểm 30-9-2021, tổng tài sản của HDBank đạt 346.355 tỷ đồng. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%. Vốn chủ sở hữu đạt 29.270 tỷ. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản khác đều tốt hơn mức quy định của NHNN. Tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm vượt 12.128 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.