Mở màn cho mùa diễn là múa Kiều (nguyên tác Nguyễn Du) công diễn trong 2 ngày 10 và 11-3 tại Nhà hát Thành phố. Vở múa được hình thành từ sự đồng cảm với thân phận nàng Kiều và lòng ngưỡng mộ tài năng đại thi hào Nguyễn Du của biên đạo múa người Hàn Quốc Chun Yoo Oh và kịch tác gia Sun Goo Jung.
Sau một năm hoàn tất ý tưởng, chuẩn bị và thực hiện chu đáo các bước chọn diễn viên, hướng dẫn, trao đổi và khổ công tập luyện cùng nghệ sĩ HBSO, vở múa chính thức hoàn thành trên sàn diễn.
Tác phẩm múa Kiều thông qua ngôn ngữ cơ thể để chuyển tải tính cách của từng nhân vật, miêu tả mâu thuẫn nội tâm, những ước mơ, khát khao cùng các cung bậc tình yêu của những nhân vật tiêu biểu trong Truyện Kiều. Lạ và cuốn hút người xem Kiều chính là có tới 3 nàng Kiều xuất hiện trong tác phẩm. Đó là những người phụ nữ của quá khứ - hiện tại - tương lai cùng đan xen. Thân phận người phụ nữ được thể hiện theo góc nhìn mới, phù hợp với từng thời điểm không gian, thời gian.
Trong từng phân cảnh, nàng Kiều và cuộc sống lưu lạc phong trần, sự truân chuyên của kiếp hồng nhan, được dàn dựng với những biến chuyển tâm tư, thần thái đa sắc, những cung bậc cảm xúc sâu lắng, bên cạnh các nhân vật Từ Hải, Kim Trọng, Đạm Tiên…
Sự hấp dẫn mới lạ của vở múa còn là sự kết hợp trình diễn của các diễn viên múa tài năng HBSO. Đó là Trần Hoàng Yến, Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Thu Trang, Hồ Phi Điệp, Sùng A Lùng, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Phan Thái Bình, Nguyễn Minh Tâm, Đinh Phương Dung, Hà Ôn Kim Tuyền… và Yoo-Oh Chun, cùng NSND Thanh Hoài (ca trù), nghệ sĩ Lê Hoài Phương (đàn đá), Cao Hồ Nga (đàn Tơ-rưng), Trần Khánh Tường (sáo trúc), Nghiêm Thu (đàn tỳ bà), nghệ sĩ nhạc dân tộc Hàn Quốc Kwon-Soon Kang.
Sau múa Kiều, khán giả yêu âm nhạc cổ điển sẽ được thưởng thức các đêm diễn hòa nhạc “Hành trình âm nhạc châu Âu”, “Đêm nhạc Mozart và Tchaikovsky”, tái diễn vở vũ kịch ăn khách Cô bé lọ lem và nhạc kịch Cây sáo thần, đêm nhạc Stéphane Trần Ngọc, kịch múa Còn mãi bản hùng ca, múa đương đại Café SaiGon, vở nhạc kịch mới Nhà thiện xạ…
Năm 2018, HBSO tròn 25 năm thành lập. Đó là một quãng đường dài hoạt động nhiều chông gai và đầy gian khó, ghi dấu sự đóng góp của bao thế hệ nghệ sĩ cùng chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển thương hiệu HBSO. Nhà hát đã luôn vững vàng trong công tác tổ chức biểu diễn, phát triển mạnh mẽ về chuyên môn loại hình nghệ thuật biểu diễn, xây dựng kịch mục phong phú, lực lượng nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhạc công giỏi nghề, ngày càng chuyên nghiệp, hoạt động giao lưu quốc tế mở rộng, đa sắc, đa dạng, hiệu quả.
NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, chia sẻ: “Chúng tôi tự tin và tự hào khi thành phố đã có được một dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp, nhà hát xây dựng được những vở vũ kịch hoàn chỉnh, dàn dựng được trọn vẹn một số vở nhạc kịch đặc sắc của các tác giả cổ điển. Chúng tôi cũng tự hào vì đầu năm mới đã lên được kịch mục đa dạng cho cả một năm biểu diễn, xây dựng được nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật với phong cách nghệ thuật đa dạng, ngôn ngữ âm nhạc đạt chuẩn, chất lượng cao. Đặt và mời được những nghệ sĩ tên tuổi trong nước và quốc tế tham gia vào các chương trình cho đến tháng 1-2019. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui mừng, hạnh phúc vì sự phát triển ngày một tốt đẹp của nhà hát, chúng tôi cũng âu lo và buồn khi 25 năm qua, với những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, đến nay chúng tôi vẫn chưa được an cư, chưa có được một ngôi nhà thực sự để an tâm làm nghề. Những trở ngại, khó khăn về cơ sở vật chất đã tồn tại suốt những năm tháng qua, ít nhiều cũng tạo cho chúng tôi những rào cản và áp lực trong hoạt động tổ chức, tập luyện, biểu diễn, phát triển về chuyên môn và nguồn nhân lực giỏi nghề cho nhà hát. Mùa diễn mới đang bắt đầu, hy vọng trong tương lai không xa, việc xây dựng một nhà hát dành cho HBSO sẽ không còn là dự án trên giấy nữa”.