Hãy tử tế với thiên nhiên

Ngày 6-5, khoảng 200 người có ảnh hưởng trên thế giới, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng, các nhà khoa học, những người từng đoạt giải Nobel đã gửi đến báo Le Monde của Pháp lời kêu gọi thế giới thay đổi, thay vì trở lại như trước đây sau khi các quốc gia dỡ bỏ những biện pháp phong tỏa.
Rừng Amazon đang chịu thảm họa kép: phá rừng và dịch bệnh
Rừng Amazon đang chịu thảm họa kép: phá rừng và dịch bệnh

Cần cải cách quyết liệt

Các ngôi sao nổi tiếng Hollywood như Cate Blanchett, Jane Fonda, Marion Cotillard và Monica Bellucci đã cùng ký tên vào một thư ngỏ được công bố trên nhật báo Le Monde với nội dung kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa tiêu dùng vô độ và thực hiện các biện pháp cải cách quyết liệt tại các nền kinh tế để cứu Trái đất. Trong số những người ký vào lá thư có những người từng đoạt các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Y sinh; nhà kinh tế Muhammad Yunus từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2006, nữ hoàng nhạc Pop Madona và chủ nhân 2 tượng vàng Oscar, tài tử Robert de Niro. Nội dung thư có đoạn nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là một thảm kịch nhưng cũng là một cơ hội để loài người đánh giá điều gì là cần thiết. Vấn đề này mang tính hệ thống nên việc điều chỉnh tạm thời thôi là không đủ. 

Bức thư ngỏ cảnh báo thảm họa sinh thái ngày nay là một cuộc đại khủng hoảng. Không giống như một đại dịch, một khi hệ sinh thái toàn cầu sụp đổ sẽ dẫn tới những hậu quả không thể đo đếm được. Chính tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu và hoạt động tàn phá những đới thiên nhiên còn sót lại đang đưa thế giới tới ngưỡng chịu đựng. Đại dịch Covid-19 là lời cảnh báo, nhắc nhở nghiêm khắc về cách hành xử thô bạo của con người đối với thiên nhiên và buộc con người phải trả giá cho cách hành xử này.

Hậu quả nặng nề

Một nghiên cứu được công bố trên tập san của Viện hàn lâm Khoa học Brazil cho biết, những thay đổi tiêu cực trong quần xã sinh vật tại Amazon do nạn phá rừng gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này mà còn tác động lên toàn bộ hành tinh của chúng ta.

Nhà sinh vật học Philip Fearnside từ Viện Nghiên cứu quốc gia Brazil về Amazon  (INPA) cho biết, “sự kiểm soát” tự nhiên bị phá vỡ do nạn phá rừng sẽ dẫn đến việc con người tiếp xúc nhiều hơn với các loài động vật hoang dã có khả năng lây nhiễm cho chúng ta những mầm bệnh chưa được biết tới, như bệnh sốt vàng da, các loại bệnh truyền nhiễm mới trong môi trường đô thị như trường hợp bệnh Chagas (bệnh ký sinh trùng nhiệt đới lây lan chủ yếu qua bọ xít hút máu) và sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét và hội chứng viêm phổi Hanta.

Nếu Covid-19 không nhanh chóng được dập tắt, nguy cơ xuất hiện một cuộc đại suy thoái lần thứ hai (Great Depression) trong vòng một thế kỷ đang trở nên hiện hữu và là nỗi ám ảnh kinh hoàng của tất cả các quốc gia, các đại công ty xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn. Tuy nhiên, nếu không chấm dứt chủ nghĩa tiêu dùng vô độ và thực hiện các biện pháp cải cách quyết liệt tại các nền kinh tế để cứu Trái đất, nếu không đối xử tử tế với thiên nhiên thì cái giá phải trả cho cách hành xử này của con người còn cao hơn nữa trong tương lai.

Ngày 7-5, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chỉ thị cho phép triển khai các lực lượng vũ trang vào rừng Amazon, sớm hơn 3 tháng so với thời điểm năm 2019, để chống lại nạn phá rừng và cháy rừng. Động thái này được đưa ra sau khi số liệu thống kê cho thấy diện tích rừng bị chặt phá tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này tăng mạnh. Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 11-5 đến ngày 10-6, nhưng có thể được gia hạn thêm 60 ngày.

Trước đó, Chính phủ Brazil ngày 10-4 công bố thông tin cho biết, nạn phá rừng Amazon tại nước này tiếp tục gia tăng trong tháng 3 vừa qua, chủ yếu do những đối tượng khai thác gỗ bất hợp pháp và đầu cơ đất đã lợi dụng bối cảnh của dịch Covid-19 để hoành hành tại khu rừng nhiệt đới này.

Tin cùng chuyên mục