Chị Thái Song Khê (ngụ ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kể, chị từng giữ sách khư khư như tài sản riêng, nhưng mấy năm trở lại đây, chị thường lấy sách trong nhà mang đi tặng. Theo chị, nhiều cuốn sách để ở nhà bị "đóng băng" trên kệ lâu năm, khi ra tủ sách cộng đồng nó được cầm lên, được lật ra, thậm chí có người ưng quá lấy luôn cũng không sao.
“Họ chịu đọc sách là điều tốt rồi. Mới đầu, rút tặng mấy cuốn sách cưng thật sự tôi cũng có tiếc, nhưng tặng nhiều lần thì không tiếc nữa, chỉ thấy niềm vui càng được nhân lên. Tặng sách xong thì mình cũng có động lực để mua sách mới”, chị Khê chia sẻ.
Dự án "Sách vì một tương lai tốt đẹp hơn" của chị Vũ Yến (hiện công tác tại NXB Tổng hợp TPHCM) được ra đời cách đây 3 năm với mục tiêu gom đủ 1.000 cuốn sách rồi kết hợp với Quỹ LOAN Stiftung (do nhà văn Isabelle Muller sáng lập) để trao tặng cho các trẻ em ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà Quỹ LOAN đang xây dựng các dự án trường học, nhà bán trú... Nhận được sự tin tưởng và đóng góp của nhiều người trên cả nước nên đến nay, dự án vẫn tiếp tục được duy trì.
Sau 3 năm, số sách quyên góp lên đến hàng ngàn cuốn, cùng với những tập vở, bút, poster học chữ, học Anh văn... Bên cạnh đó, địa bàn trao tặng cũng được mở rộng ra các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai. Ngày 6-9 tới đây, dự án sẽ trao tặng hơn 300 cuốn truyện thiếu nhi cho các em ở trường Mầm non xã Sinh Long (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), cùng với đó là 100 cuốn tập mới, 100 hộp bút chì màu kèm giấy vẽ, 200 bút chì…
Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chế Là (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) vui mừng nhận sách từ dự án “Sách vì một tương lai tốt đẹp hơn” |
Ngoài gửi tiền (sau đó sẽ được quy đổi ra sách, đồ dùng học tập) hoặc mua tặng sách mới, không ít người sẵn sàng gửi đến dự án "Sách vì một tương lai tốt đẹp hơn" những đầu sách quý từ tủ sách của gia đình. “Có nhiều phụ huynh đã thuyết phục con mình soạn lại kệ sách, lau bụi các cuốn sách cẩn thận và giải thích cho chúng về việc tặng lại các cuốn sách này cho các bạn vùng cao, khó khăn. Các bạn nhỏ rất hào hứng cho đi các cuốn sách chúng đã đọc và cố gắng giữ sách rất đẹp, rất mới”, chị Vũ Yến kể.
Là người yêu thích đọc sách, trước đây, chị Vũ Yến có suy nghĩ “thà mua một cuốn sách mới tặng bạn chứ không bao giờ cho ai mượn sách”. Chị thường mong sau này có nhà sẽ dành riêng một phòng để lưu giữ sách. Tuy nhiên, từ một người ngay cả việc cho người khác mượn sách đã khó thì nay chị Vũ Yến đã thay đổi suy nghĩ, cho đi nhiều cuốn sách hay trên kệ sách của mình. “Đây là những cuốn mà tôi đã đọc và tin rằng nếu người khác đọc được cuốn sách này biết đâu họ sẽ nhận ra sự đồng cảm và có khi cuốn sách sẽ thay đổi cuộc đời của họ”, chị Yến bày tỏ.
Đúng như chị Vũ Yến chia sẻ, thực tế, sách vẫn có thể làm thay đổi suy nghĩ, cuộc đời của ai đó theo hướng tích cực hơn. Điều này được chứng minh qua cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” được tổ chức nhiều năm gần đây. Năm 2022, tác giả Tăng Hương nhận giải nhất tuần 2 với bài dự thi kể lại trải nghiệm và sự thay đổi từ cuốn sách Tuổi 20 tôi sống như một bông hoa dại của tác giả Trang Xtd, do NXB Trẻ ấn hành.
Bài viết có đoạn: “Bà ngoại tôi từng nói, sách tâm sự, sách sẻ chia, sách làm bạn…, đến mãi sau này khi tôi ngẫm lại, quả thật bà nói rất đúng. Tuổi 20 tôi sống như một bông hoa dại có lẽ là cuốn sách đầu tiên và duy nhất thay đổi bản thân tôi nhiều đến vậy! Bạn biết không, từ một con người có những mảnh vụn ký ức đáng để quên, tôi sau khi có Tuổi 20 tôi sống như một bông hoa dại là một phiên bản hoàn toàn khác, biết đứng dậy và dám bỏ đi”.
Một trong những lý do được nhiều người đưa ra khi trao đi những cuốn sách, đó là: sách/đồ vật nếu cứ ngủ yên trong xó nhà sẽ mất dần giá trị, trong khi nếu tặng ai đó thì sách/đồ vật sẽ sống thêm một cuộc đời hữu ích. Việc trao đi những cuốn sách không chỉ thể hiện nét đẹp của sự sẻ chia, mà đôi khi còn là cách để gieo hạt mầm ước mơ về những điều tốt đẹp. Có điều, dù mục đích đầy ý nghĩa nhưng cũng nên cân nhắc về đối tượng nhận, tránh tình trạng nhận sách rồi không đọc. “Sách trở thành quà tặng cho người biết nỗ lực và thật sự khao khát nó. Không nên tặng sách cho người thờ ơ với sách. Việc đầu tiên là làm thay đổi thái độ thờ ơ thành quan tâm, tiếp theo mới là tặng sách”, chị Thái Song Khê bày tỏ.