Từ bất ngờ đến… sốc
Nghe thông tin có những học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 trên địa bàn TPHCM đọc rất kém, viết rất yếu, chúng tôi thật bất ngờ. Khi tìm hiểu viết bài, chúng tôi cũng chỉ nghĩ rằng, có thể có vài học sinh đọc hơi yếu, viết hơi chậm… tại các huyện ngoại thành, những xã còn nghèo, những gia đình khó khăn. Thế nhưng, sau hơn 2 tuần khảo sát 9 trường ở các quận 6, 7, 8 và huyện Hóc Môn, chúng tôi đi từ bất ngờ đến sốc, không thể tin được những gì mình chứng kiến.
Em N.V.A. (8 tuổi, đang học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận 8) là một trong số những trường hợp đầu tiên chúng tôi tiếp xúc. Mặc dù học lớp 3, nhưng khả năng đọc và viết của em rất yếu.
Khi phóng viên mở trang 79 tập 1 sách Tiếng Việt lớp 3 để em đọc bài thơ Quê hương, ngay 2 dòng đầu tiên: Quê hương là chùm khế ngọt/Cho con trèo hái mỗi ngày, em đọc tới chữ “trèo” đã không biết đọc thế nào, phải nhờ mẹ nhắc; đến chữ “hái” cũng bị khựng, mẹ em lại nhắc. Tiếp đó, em không biết đọc chữ “mỗi ngày”. Như vậy chỉ với 2 câu thơ đầu tiên có tổng cộng 12 chữ, em N.V.A. đã đọc không được 4 chữ trèo hái mỗi ngày.
Sang câu Quê hương là đường đi học, em N.V.A. lại phân vân và mẹ em lại tiếp tục nhắc. Tiếp câu Con về rợp bướm vàng bay thì lắp bắp, đọc sai gần hết, “bướm” đọc thành “bến”... Ở câu Quê hương là con diều biếc, em đọc “diều” thành “vườn”; câu Tuổi thơ con thả trên đồng, đọc “thả” thành “tả”; câu Êm đềm khua nước ven sông, đọc “êm đềm” thành “mênh đêm”.
Tính toán về mặt thời gian, với tốc độ và khả năng đọc lưu loát của một học sinh bình thường, toàn bộ bài thơ Quê hương có tổng cộng 102 chữ, bao gồm cả đọc tựa đề và tên tác giả chỉ mất trung bình từ 40-45 giây, nhưng với em N.V.A. cùng sự trợ giúp của mẹ phải đọc tới 3 phút 30 giây mới xong.
Tương tự, em N.V.B. (cũng 8 tuổi, học lớp 3 tại một trường tiểu học ở huyện Hóc Môn) đọc rất chậm, đánh vần từng chữ vô cùng vất vả. Khi phóng viên đưa bài Cửa Tùng trong sách Tiếng Việt lớp 3, tập 1 thì em phải đánh vần từng âm rồi ghép lại mới đọc được, nhưng đọc sai và chậm. Ở đoạn Thuyền chúng tôi đang xuôi dòng Bến Hải - con sông in đậm dấu ấn lịch sử một thời chống Mĩ cứu nước. Đôi bờ thôn xóm mướt màu xanh lũy tre làng và những rặng phi lao rì rào gió thổi có tổng cộng 41 chữ, nếu những học sinh đọc lưu loát chỉ mất 15 giây thì em N.V.B. mất gần 3 phút mới đọc xong, nhưng sai rất nhiều. Chữ “thuyền” đọc là “thền”, chữ “đậm” đọc thành “đện”, chữ “lịch” đọc thành “liện”, chữ “Mĩ” đọc thành “ỉ”, chữ “cứu” đọc thành “kiến”, chữ “đôi” đọc thành “đuôi”, chữ “màu” đọc thành “mùa”, chữ “lũy” đọc thành “lủi”. Thậm chí có chữ không có dấu thì đọc có dấu, chữ có dấu thì đọc mất dấu.
Không chỉ học sinh lớp 3, mà ngay cả học sinh lớp 4, khả năng đọc viết cũng không khá hơn. Như em N.V.C. (9 tuổi, học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận 6), khi phóng viên đưa bài thơ Nếu chúng mình có phép lạ ở sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1 với 4 câu thơ đầu: Nếu chúng mình có phép lạ/ Bắt hạt giống nảy mầm nhanh/Chớp mắt thành cây đầy quả/Tha hồ hái chén ngọt lành thì em vừa đánh vần, vừa phát âm khá lộn xộn như chữ “mầm” thành “mồm”, chữ “thành” là “hàng”, chữ “tha” thành “hang”, chữ “ngọt” thành “ngộp”, chữ “lành” thành “làm”. Với 4 câu thơ có tổng số 24 chữ, em N.V.C. mất 3 phút 20 giây mới đọc xong.
Không chỉ đọc kém, mà khả năng viết của các em cũng rất yếu, thậm chí nhìn để chép lại bài trong sách giáo khoa cũng còn nhiều lỗi chính tả. Còn để nghe viết thì có học sinh lớp 5 viết sai tới mức chúng tôi khó có thể đọc lại được đó là bài gì.
Chị B. (mẹ em N.V.B., ngụ huyện Hóc Môn) tâm sự: “N.V.B. học lớp 3 rồi nhưng đọc còn yếu lắm. Học rất chậm. Hồi còn học lớp 1, 2 bé đã bị đuối rồi. Giờ để em N.V.B. học được tới đâu hay tới đó thôi”. Chị B. cho biết thêm, cô giáo cũng nương nhẹ cho 5-6 điểm để lên lớp, chứ thực chất em không đạt được như vậy. “Năm nay với tình hình học lớp 3 của N.V.B. như thế này đến cuối năm nếu không ổn, gia đình sẽ yêu cầu nhà trường cho em ở lại lớp để rèn lại căn bản, chứ lên lớp 4 chắc chắn theo không nổi”, chị B. nói.
Chị A. (mẹ em N.V.A. ngụ quận 8) tâm sự: “Con tui học hoài mà vẫn không biết chữ. Học thuộc bảng 24 chữ cái rồi 2, 3 ngày sau kêu đọc lại thì không nhớ”. Có lần trong bài kiểm tra môn Toán, cô giáo viết lời nhận xét khen bài kiểm tra là hoàn thành tốt, nhưng do em không biết chữ nên phải nhờ bạn đọc giúp để biết cô phê như thế nào. Với khả năng đọc viết của em N.V.A. còn quá yếu, chị A. cũng đang cân nhắc: “Phía gia đình đâu có chịu cho bé lên lớp, nhưng trường không đồng ý, cứ bắt cho lên. Nhà trường cho lên lớp hoài để rồi rốt cuộc con tôi vẫn không biết chữ”.
Tương tự, phụ huynh em N.V.C. (học sinh trường điểm tại quận 6) than thở: “Con tui đọc chậm lắm. Tôi thường hướng dẫn để con đọc theo, nhưng đọc một hồi là nó đuối. Nó là học sinh trường điểm mà lại đọc dở hơn bạn cùng khối ở các trường khác”. Chị cho biết thêm, các cô giáo nói em đã học kém từ lớp 1 rồi “phải chấp nhận như vậy thôi, phải cho lên lớp, chấm 5 điểm cho lên luôn”, chị C. buồn bã nói.
Có nhiều lý do từ chủ quan đến khách quan khiến các em học sinh học đến lớp 3, 4, 5 mà vẫn đọc yếu, viết kém: có thể các em ham chơi, lười học, gia đình khó khăn, áp lực học quá nặng, sĩ số học sinh quá đông…; nhưng có một lý do không thể phủ nhận đó căn bệnh thành tích. Vì thành tích của lớp, của trường, của quận, của sở… mà giáo viên có thể nâng điểm, làm ngơ với một số trường hợp, mà các trường hợp trên chỉ là ví dụ. Còn bao nhiêu trường hợp như trên, ngoài Tiếng Việt còn các môn khác thì sao? Ngoài tiểu học, các cấp học khác có bảo đảm học sinh được lên lớp đều đạt chuẩn? Đây là vấn đề đang làm nhức đầu không chỉ ngành giáo dục mà toàn xã hội. Hãy đánh giá đúng năng lực các em, hãy trả các em về với thực lực của mình, đó là điều cần thiết để giúp các em có nền tảng vững chắc trong bước đường đời tiếp theo.
Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến độc giả những trường hợp khác không chỉ tại TPHCM mà ở các địa phương khác.
Tên các nhân vật trong bài viết đã được đổi. Bạn đọc có thể cung cấp thông tin cho chúng tôi qua số hotline: 08 65 11 22 55. |