Theo ước tính, hiện Việt Nam có từ 1,5-2 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó 150.000 là trẻ em. Trong nhiều năm qua, Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước, các tầng lớp nhân dân cũng đã có nhiều hành động thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ bồi thường cho các nạn nhân chất độc màu da cam trải qua nhiều ngày tháng khó khăn, cam go đã được sự ủng hộ nhiệt tình của không chỉ nhân dân cả nước mà cả những người ủng hộ cho công lý trên đất Mỹ và bạn bè thế giới. Để tiếp tục chăm lo, giúp đỡ cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, SGGPOnline mong nhận được ý kiến ủng hộ của bạn đọc về cuộc đấu tranh này. Trân trọng cảm ơn.
>> Ý kiến:
- Huỳnh Thế Cuộc (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM):
Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam - Tiếng gọi của lương tri
Ngày 10-8-1961, không lực Hoa Kỳ rải “chất diệt cỏ” đầu tiên trên đường mòn Hồ Chí Minh, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học. Từ đó đến ngày 30-6-1971, gần trọn 10 năm – không quân Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít cái gọi là “chất diệt cỏ”, chứa 61% chất da cam và 366kg dioxin xuống Việt Nam.
Theo Giáo sư J.M Stellman và Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế của Mỹ (International Agency for Resarch on Center), da cam/dioxin là loại hóa chất vô cùng độc hại. Với liều lượng chừng một phần ngàn tỷ gam, người bị phơi nhiễm mắc phải bệnh hiểm nghèo suốt đời, nếu bị phơi nhiễm một phần tỷ gam người bị phơi nhiễm tức khắc không thoát khỏi cái chết.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm hóa chất độc hại kể trên, đa số đã qua đời, những người còn lại đang sống ngoắc ngoải tật nguyền, trong đó hơn 3.500 người đang ở rải rác các quận - huyện tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhất ở Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ…
Rất nhiều binh sĩ Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… từng tham chiến ở Việt Nam, kể cả phi công Mỹ đi rải chất độc hóa học này đã bị phơi nhiễm, mặc dù họ không trực tiếp hứng chịu trên đầu như người Việt Nam. Điều trớ trêu là các quốc gia có quân đội tham chiến ở Việt Nam đều đã bồi thường cho binh sĩ của họ; Chính phủ New Zealand còn chính thức xin lỗi nạn nhân.
Trong khi các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc chết người kể trên, cũng như thủ phạm sử dụng vũ khí diệt môi sinh đó chưa chịu bồi thường cho hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm đang chết dần chết mòn, chưa nói đến con cháu của họ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ít nhất cũng vài ba thế hệ. Đó là sự bất công!
Với trách nhiệm của mình, ngày 10-1-2004 Việt Nam đã thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin để chăm sóc và giúp đỡ cho nạn nhân Việt Nam, đồng thời tích cực đấu tranh đòi công lý.
Hội đã gởi đơn kiện các công ty Mỹ đã sản xuất hóa chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam tại Tòa án sơ thẩm thuộc tiểu bang New York, sau đó đã kháng án lên Tòa án phúc thẩm Mỹ nhưng cả hai nơi đều bác bỏ đơn kiện của ta, viện lý do rằng “chất da cam được sử dụng để diệt cỏ và bảo vệ quân đội Mỹ chứ không phải là chất độc giết người”! Đó là phán quyết phi lý, thiên vị và không công bằng, vì lẽ đó hội đã tiếp tục kháng án lên Tòa án tối cao Mỹ. Cuộc đấu tranh còn tiếp diễn với sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, nhiều luật sư Mỹ và dư luận quốc tế.
Về phần mình, hội luôn sát cánh cùng nạn nhân, hết lòng giúp đỡ nạn nhân đang trong cơn nguy khốn. Nhân kỷ niệm những ngày tháng 8, những ngày mà quân đội Mỹ bắt đầu gieo rắc chất độc da cam/dioxin giết hại nhân dân Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM và Hội Chữ thập đỏ TPHCM kêu gọi mọi người Việt Nam hãy đến với nạn nhân chất độc da cam, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ; ở đó nhiều người không thể tự đứng trên đôi chân của mình, họ đang hàng ngày hàng giờ bị bệnh tật giày vò và cái chết đang hiện ra trước mắt.
Đến với nạn nhân chất độc da cam là đến với nỗi đau tột cùng của con người nhưng cũng chính cử chỉ đó thể hiện rõ nhất lòng nhân ái và tính bản thiện của mỗi người Việt Nam chúng ta. Vì tình đồng loại, nghĩa đồng bào, mỗi người Việt Nam chúng ta hãy tiết kiệm chi tiêu một chút để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, của ít lòng nhiều bao giờ cũng cao quý! Xin hãy nhận ở đây lời kêu gọi của lương tri và lòng tri ân sâu sắc nhất của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam!