Hay sao tiếng “dạ” người Nam bộ

Tôi cứ nhớ mãi một cảnh tượng từng được chứng kiến khi còn nhỏ. Lần đó, một chị đi xe đạp gặp một người quen đi ngược chiều và hỏi gì đó, lúc đó chị đã đạp xe vượt qua rồi nhưng còn trả lời với theo: “Dạ, thưa không!”. Những người nghe câu trả lời đó đều khen nức nở sự lễ phép của chị. Có người còn quay sang dặn con cháu nhớ học tập chị đó…

“Dạ” là một từ rất đặc biệt của tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt giải thích: (1) tiếng dùng để đáp lại lời gọi hoặc để mở đầu câu nói một cách lễ phép, (2) có nghĩa là vâng. Ý nghĩa đầu nói về phản hồi của một người nhỏ hơn khi nghe tiếng gọi của người lớn hơn (vai vế, tuổi tác, địa vị…). Ý nghĩa sau biểu thị sự lễ phép hoặc lịch sự khi bắt đầu một câu nói, nhất là khi có nhờ cậy.

Thí dụ, bạn đi đường và cần tìm đến một địa chỉ có thể hỏi một người bán hàng trên vỉa hè: “Dạ, anh cho hỏi đường đến Bệnh viện Mắt”. Trong Nam thường ít người dùng từ “vâng” mà thường dùng “dạ”.

hoa-luc-binh-10-5071.jpg
Ảnh: PHÚ VINH

Tuy nhiên, “dạ” không chỉ có bao nhiêu đó nghĩa. Nó còn mang một số nghĩa khác, đặc biệt là có sự độc đáo về sắc thái biểu cảm chứ không chỉ thể hiện nghĩa. Trong nhiều trường hợp, “dạ” là một từ mang tính đệm trong giao tiếp, không hoàn toàn biểu lộ sự đồng tình, ưng thuận, mà chủ yếu mang giá trị giữ cho mạch giao tiếp được liên tục, cho thấy người kia tỏ ra đang chăm chú nghe.

Thí dụ, 2 người đang nói chuyện với nhau, một người tỏ ra thao thao, người kia có thể đang nghe hoặc chỉ lịch sự thể hiện mình đang nghe, có thể lâu lâu chêm vào từ “dạ” kèm theo các ngôn ngữ hình thể như gật đầu, cười… Tình huống này xuất hiện ở bối cảnh 2 người mới gặp nhau, cuộc trò chuyện còn mang tính khách sáo, sự xã giao thể hiện rõ; hoặc trường hợp người nói có vai lớn hơn. Nếu người đang nói ở vai thấp hơn, người kia có thể dùng từ “ừa” để biểu thị thái độ đó và vẫn thể hiện tính lịch sự. Trong các trường hợp này, “dạ” hay “ừa” không có nghĩa là tán đồng.

Trong Nam bộ, xưa nay các bậc cha mẹ đã dạy con:

“Bảo vâng, gọi dạ, con ơi,

Vâng lời sau trước, con thời chớ quên.

Công cha, nghĩa mẹ, khôn đền,

Vào thưa, ra gửi, mới nên con người”.

Hay người xưa cũng nhắc nhở người con gái đi lấy chồng phải giữ đạo làm vợ từ trong lời ăn tiếng nói:

“Ngọt ngào hai tiếng dạ thưa

Đôi môi hiền thục gói vừa nết na

Lời thưa từ buổi sanh ra

Lẫn vào tiếng dạ thật thà thành em”.

Viết đến đây, tôi nhớ đến cách dạy con hiếm có của ba tôi. Khi anh em chúng tôi còn nhỏ, mỗi khi chúng tôi gọi “ba ơi” ông đều “dạ”, khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Thói quen đó ông giữ cho đến già, vì bây giờ các cháu khi gọi “nội ơi” hoặc “ngoại ơi” thì ông cũng "dạ" như khi xưa. Anh em chúng tôi cũng học điều đó, rồi sau này khi có con chúng tôi cũng làm như thế với các con. Trong gia đình tuyệt nhiên không có chuyện xưng hô “mày tao” với nhau, dù giận dữ cỡ nào.

Một lần tôi xem cuộc phỏng vấn của nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh trên một kênh YouTube ở Mỹ, rất ấn tượng với thái độ khiêm nhường của ông và thấy quý ông ở cách nói chuyện rất nhẹ nhàng, đúng mực. Đặc biệt, trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần ông “dạ” với người dẫn chương trình rất trẻ.

Tôi hiểu đó là một thói quen của người được giáo dục tốt, có nếp sống mực thước, nhất là những người lớn tuổi từng được hấp thụ nền nếp gia giáo nghiêm cẩn. Bởi tôi cũng nhiều lần gặp và thấy những người lớn tuổi khi trao đổi với người nhỏ tuổi hơn, vẫn dùng từ “dạ” rất thường.

“Dạ” cũng hay đi với “dạ thưa” để bắt đầu cho một lời nói mang tính lễ phép hoặc lịch sự, hay trong các dịp trang trọng. Đứa cháu nhỏ thưa ông bà, đứa học trò bắt đầu câu chuyện với thầy cô, đại diện nhà trai chuẩn bị thưa chuyện với nhà gái, ca sĩ mở lời trước khi hát, người phóng viên đặt câu hỏi đầu tiên…

Đừng nghĩ nó khách sáo hoặc màu mè quá, mà chính là lịch sự, thậm chí là lịch sự tối thiểu. Chính điều đó không chỉ tạo được ấn tượng tốt để mở đầu câu chuyện mà nó còn bộc lộ tư cách, nhân cách của người nói, làm người nghe cảm thấy tin cậy được hoặc có thể được thuyết phục.

Ta thử so sánh: Đứa cháu nhỏ “Chào ông nội” với “Thưa ông nội” và “Dạ thưa ông nội”. Dường như thứ tự sự lễ phép được tăng dần. Dĩ nhiên, có thể còn tùy theo thói quen và sự cảm nhận của từng người, nhưng trong Nam bộ, nhiều gia đình chọn cách dạy con thưa gửi theo câu thứ ba với một ý nghĩa nhất định chứ không đơn giản do “xưa bày nay làm”.

Cái tiếng “dạ” hay “dạ thưa” là một tiếng đẹp, biểu thị một thái độ đẹp, một nhân cách đẹp. Rất nhiều người có ấn tượng đặc biệt với tiếng “dạ thưa” này.
Trong bài Dạ thưa, nhà thơ Lê Minh Quốc viết: “Dịu dàng em nói dạ thưa/ Đôi môi lễ độ nghìn xưa vọng về”. Tiếng “dạ thưa” ấy là một lời vọng của truyền thống, của sự gia giáo, của nét hiền thục ở một người con gái. Nhìn rộng hơn, “dạ thưa” có thể dành cho mọi người, không phân biệt trẻ già, trai gái mà với hầu hết chúng ta, mỗi khi nghe ai đó thốt lên ta thường cảm thấy rung động, mến yêu!

Tin cùng chuyên mục