Mặc dù tán thành thông qua Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, song nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị mở rộng diện hỗ trợ, không chỉ “gói” trong phạm vi DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và số lao động dưới 100 người.
ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) phân tích: “Không nên lấy tiêu chí dưới 100 người lao động mới được miễn giảm. Những DN gặp khó khăn mà cố gắng giữ được người lao động thì rất đáng quý, càng cần được hỗ trợ, vì góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thì cho rằng, việc giảm 30% thuế TNDN thực tế mang tính chất động viên nhiều hơn, chứ chưa hỗ trợ được nhóm DN khó khăn nhất.
“Những DN có lãi (để nộp thuế TNDN) năm nay thực sự là anh hùng lao động. Nhưng những doanh nghiệp khó khăn nhất thì không thể có lãi. Chúng ta cần quan tâm đến nhóm DN tạm ngừng hoạt động. Năm nay, số này tăng 36,4% so với cùng kỳ. Đó là những doanh nghiệp chưa bỏ cuộc, vẫn muốn giữ thương hiệu, giữ người lao động để chờ cơ hội, Chính phủ nên quan tâm đến họ, tạo cho họ cơ hội vượt khó bằng một số chính sách tiền tệ, tài khóa”, ĐB Trần Hoàng Ngân bình luận.
Có quan điểm tương tự, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, diện hỗ trợ của Nghị quyết nên bao gồm tất cả các doanh nghiệp nhỏ theo định nghĩa trong Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), “nếu không mở ra được cho cả DN vừa”.
Ông Vũ Tiến Lộc nói: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các nước đều phải hỗ trợ DN. Không nên quan niệm hỗ trợ nghĩa là đem tiền cho doanh nhân, mà là giúp giữ công ăn việc làm cho người lao động, mang ý nghĩa an sinh xã hội. DNVVN rất nhạy cảm, dễ bị suy sụp, nhưng cũng có thể hồi phục rất nhanh, nên kích thích ở khâu này cũng rất là hiệu quả”.
ĐB Vũ Tiến Lộc lưu ý thêm, cũng xét theo tiêu chí hiệu quả thì nên quan tâm đến những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, nhưng cũng có tiềm năng hồi phục nhanh nhất; những DN lớn, dự án trọng điểm, cốt lõi trong nền kinh tế, giúp bảo vệ chủ quyền kinh tế của Việt Nam nữa.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Đừng nghĩ khoản chi cho DN là Nhà nước mất tiền, mà đây chính là một cách nuôi dưỡng nguồn thu”.
Được mời giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là một trong các giải pháp tài khóa Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình đặc biệt hiện nay.
“Các vị đại biểu Quốc hội đã cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải có Nghị quyết này. Về đối tượng, qua ý kiến các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo cơ bản tiếp thu và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có báo cáo Quốc hội. Về tiêu chí, tôi cho rằng, phải chọn các tiêu chí để khi tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh những rủi ro”, ông nói.
Vẫn theo người đứng đầu ngành Tài chính, vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp chứ không chỉ có giải pháp giảm thuế. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, chính sách đã đi vào cuộc sống và rất thuận lợi cho doanh nghiệp tự tính, tự khai. Trong quá trình thực hiện đang rất thuận lợi, nên chưa phải thanh tra, kiểm tra. Về cắt giảm phí, lệ phí, đến nay Bộ Tài chính đã ban hành 18 thông tư, giảm các loại phí, lệ phí. Nhiều loại phí, lệ phí đã được giảm rất sâu, trong đó có lĩnh vực hàng không. Đặc biệt là giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cho nên trong thời gian vừa qua đã có tác động rất lớn, góp phần ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, các chính sách như giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Để giảm chi phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa một số nghị định để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, da giày, dệt may. Ngoài ra, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ quyết định giảm 50 % lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Các chính sách thuế này, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt như hàng không.
Tán thành quan điểm của các vị ĐB về việc thủ tục triển khai phải rất đơn giản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định, các doanh nghiệp đã tự tính, tự khai, tự nộp. Tinh thần của Nghị định này cũng như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chúng tôi phải tăng cường quản lý rủi ro, trường hợp cần thiết vẫn phải thanh tra, kiểm tra. Dù hạn chế thanh tra, kiểm tra, nhưng trong chỉ 5 tháng đầu 2020, qua công tác thanh tra, kiểm tra, số tiền thu về ngân sách đã là hơn 5.000 tỷ đồng.