Có lẽ những chương trình có lồng ghép phần trò truyện, chia sẻ cảm xúc quanh một vấn đề hay câu chuyện nào đó sẽ làm người ta dễ chịu hơn những phần thi lần lượt tranh thắng thua; việc ngồi xuống và cùng nhau trò chuyện khiến khán giả xem chương trình qua màn ảnh cũng thấy gần gũi, dễ hiểu hơn. Đó là những cảm xúc trong lời nói, sự diễn giải quanh các vấn đề mà biết đâu qua đó, khán giả cũng dễ dàng bắt gặp: “anh/chị này có suy nghĩ giống mình vậy”.
Tuy nhiên, thực tế có không ít những chương trình trên truyền hình khiến gia đình tôi phải đỏ mặt hay ngượng ngùng chuyển kênh khác, dù không có trẻ con trong nhà. Chuyện trinh tiết phụ nữ, chuyện quan hệ vợ chồng, chuyện người thứ ba… trở thành những đề tài “hot” chiếm sóng truyền hình. Tôi từng chứng kiến một chương trình với khách mời lẫn giám khảo ngồi ghế nóng điều là những gương mặt nổi tiếng trong giới giải trí, bắt đầu những tranh luận quanh chuyện trinh tiết.
Những màn tranh luận nảy lửa giữa các khách mời khiến khán giả chán nản, bởi đi đến cùng, cũng chỉ là một mối tơ vò, hỗn độn các ý kiến với nhau, không giải quyết hay gợi mở được những mấu chốt của vấn đề.
Và giữa những thông tin không hay ho gì về chuyện tế nhị giữa thầy giáo với nữ sinh đang tràn ngập báo mạng, đã khiến tôi phải xem đi xem lại nhiều lần chương trình “Cất cánh” với chủ đề “Thầy - trò trong thời đại 4.0”. Nếu một xã hội chỉ có màu đen về các thầy cô giáo, thì ai sẽ là người dạy dỗ thế hệ tương lai đây. Đành rằng phải có mặt tốt - mặt xấu thì đó mới là cuộc sống, nhưng khi chúng ta bị ngập trong những thông tin không hay ho, nghe - nhìn - đọc quá nhiều về những chuyện tiêu cực thì niềm tin trong cuộc sống ắt hẳn cũng bị bào mòn dần.
Đoạn clip về thầy giáo Lê Bá Khánh Trình ở đầu chương trình khiến tôi không khỏi xúc động. Bởi tên thầy đã không còn xa lạ gì với tôi, trong suốt những năm học cấp 3 tôi được nghe thầy cô của mình kể nhiều về tài năng toán học của thầy và đám chúng tôi khi đó cũng không ít lần mơ ước chạm tay vào các giải thưởng mà thầy đã đạt được. Đó cũng là một trong những động lực tinh thần, để suốt 12 năm đi học, chúng tôi dù nghịch ngợm nhưng cũng không quên chuyện học hành và chưa bao giờ phải bị xếp loại học lực trung bình.
Khách mời của “Cất cánh” có thể là nhóm cựu học viên Chương trình Học bổng Chính phủ Fullbright hay Ausaid, nhóm Forbes Việt Nam 30 under 30, cựu sinh viên Harvard, nhóm quản trị cao cấp tại các tập đoàn lớn, các thầy cô giáo với những câu chuyện đặc biệt của riêng họ…
Và, khán giả mong chờ sự xuất hiện của họ không phải để tận mắt ngắm nhìn một nhan sắc, hay một ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, người mẫu… mà đơn thuần chỉ để nghe họ nói về những câu chuyện tử tế, truyền cảm hứng để khán giả, người xem có thêm một động lực về mặt tinh thần trong cuộc sống; hay gợi mở những hướng giải quyết các vấn đề một cách tích cực.
Có lẽ đến lúc người ta không cần một chương trình quá trí tuệ, quá đỉnh cao hay quá nhiều người nổi tiếng trong showbiz, mà khán giả cần một chương trình nói nhiều hơn về những điều tử tế, gặp gỡ những con người tử tế với một lối sống đẹp mà không cần phải tiếng tăm như một ngôi sao giải trí. Bởi hơn hết, muốn làm mọi việc trong cuộc sống, người ta cần phải có niềm tin và khi niềm tin bị khuất lấp bởi những điều chưa hay thì xã hội lại cần những người tử tế lan tỏa điều tốt đẹp, truyền cảm hứng để vực dậy tinh thần cho nhau và cho cả xã hội.