Từ Sài Gòn đến Paris
Mãi đến khi Euro khép lại, bóng đá Việt Nam mới có được một “bài học" thật sự về chuyên môn đến từ chiến thắng của Bồ Đào Nha và cái cách mà HLV Santos cùng những cầu thủ của mình đã làm trong trận chung kết.
Nói như vậy là bởi khoảng cách về trình độ giữa bóng đá châu Âu so với bóng đá Việt là quá lớn, có muốn học cái gì đó về mặt chuyên môn cũng khó. Những thành công của Iceland hay Xứ Wales trên thực tế bên cạnh tinh thần thì luôn đi kèm với trình độ chơi bóng đẳng cấp cao của cầu thủ trong môi trường những giải đấu hàng đầu trước khi chuyển hóa thành sức mạnh ở đội tuyển quốc gia.
Nhưng đúc kết của HLV Fernando Santos về chiến thắng của Bồ Đào Nha thì có thể áp dụng được bởi nó có thể xem như một quan điểm trong việc xây dựng thành công cho đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ các cuộc chơi vừa tầm ở Đông Nam Á hay cao hơn, đó là Asian Cup.
Nó thích hợp bởi ở Việt Nam, thường thì ngược lại. Việc cần đơn giản thì lại cố tỏ ra phức tạp, tư duy trong chơi bóng thường bị đặt sau các yếu tố như "tinh thần chiến đấu” hay "khát khao cháy bỏng”. Ví dụ như chuyện chọn lối chơi cho đội tuyển quốc gia cứ tranh cãi giữa chuyện tấn công hay phòng ngự, cống hiến hay thực dụng trong khi bóng đá thế giới đang cố gắng thi đấu theo cách đơn giản nhất, giữ bóng thật ít, chuyền bóng thật nhanh. Một đội bóng ở trình độ yếu như Việt Nam mà cứ hở ra là bàn chuyện đá ra sao rõ ràng là không ổn một chút nào.
Thành công của Bồ Đào Nha tại Euro không tôn vinh sự thực dụng, đúng hơn, nó đề cao khả năng linh hoạt. HLV Fernando Santos không đề ra một lối chơi nào cụ thể, ông ta chỉ cố tìm ra giải pháp tốt nhất với những cầu thủ tốt nhất mà bóng đá nước này có thể có, từ một cầu thủ như Carvalho 38 tuổi cho đến Sanchez 18 tuổi. Rồi từ những con người đó, mới tính đến chuyện sẽ thi đấu như thế nào. Vì thế mà một “Brazil của châu Âu" ngày nào lại bị so sánh như Hy Lạp của năm 2004.
Tóm lại, cứ đơn giản nhưng khôn ngoan thay vì chưa khôn ngoan đã vội phức tạp.
VIỆT LONG