Bên cạnh nhu yếu phẩm, sách cũng đã được đưa vào các khu vực cách ly Covid-19 phục vụ đời sống tinh thần cho người dân. Trên mạng xã hội, các diễn đàn chia sẻ chuyện gia đình, nhiều bạn trẻ bắt đầu kể về thói quen đọc sách, giới thiệu nội dung những quyển sách mà mình đã và đang đọc, cùng nhau bình luận văn phong, cốt truyện, cách xây dựng nhân vật của các tác giả trong và ngoài nước…
Trong sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội, đọc sách bị bỏ lại sau những lượt thích, lượt chia sẻ, bình luận… Những nền tảng chia sẻ video liên tục tích hợp tính năng hỗ trợ người dùng trong việc giải trí. Câu chuyện đọc sách thư giãn dường như chỉ phù hợp cho những ai sống chậm hoặc cần sách nghiên cứu. Nhiều bạn trẻ không mấy mặn mà chuyện đọc sách bởi “bận”: bận rộn với công việc, gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội. Nhịp sống hiện đại, giới trẻ nhạy bén, thích nghi nhanh và câu chuyện chậm rãi lật từng trang sách dường như rất ít người trẻ hứng thú.
Liệu chúng ta có quá bận rộn cho việc đọc sách không? Theo nghiên cứu của Công ty Q&Me (dịch vụ nghiên cứu thị trường đặc biệt, với công nghệ thực hiện khảo sát thị trường online và offline), người Việt dành trung bình khoảng 4 giờ/ngày trên điện thoại để truy cập Facebook, YouTube. Với một số bạn trẻ, thời gian truy cập mạng xã hội trong ngày hơn 4 giờ. Điều này có nghĩa, chúng ta không quá bận đến mức không có thời gian để đọc sách.
Sách điện tử ra đời được tích hợp cả trên điện thoại, nhiều phần mềm đọc sách “chiều lòng” người đọc đến mức thiết kế giao diện trải nghiệm cảm giác như lần giở từng trang giấy… Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn không mặn mà. Ở thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, tại đường sách, quán cà phê, dễ dàng bắt gặp vài bạn trẻ tạo dáng chụp hình với sách, lần lần giở giở vài trang sách…, chủ yếu kiếm cái hình để chia sẻ lên mạng.
Không phủ nhận tiện ích từ mạng xã hội, giúp người dùng vừa giải trí, vừa kết nối trò chuyện và có thể đáp ứng nhu cầu tin tức; nhưng không gian đa chiều này có nhiều nguồn tin thật - giả, chưa được kiểm chứng… Không ít bạn trẻ nhìn vào những lượt thích, bình luận từ những bài viết không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội rồi nhầm lẫn đó là thông tin báo chí hay kiến thức chuẩn mực.
Mỗi quyển sách ít nhiều đều mang lại giá trị. Người trẻ muốn rèn văn hóa đọc cần có thời gian và định hướng đọc để không rơi vào những quyển sách đẹp bìa mà kém nội dung.