Ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, cho biết: “Cuộc xung đột tại Ukraine đã thực sự làm gia tăng đáng kể nhu cầu vũ khí ở châu Âu, điều này sẽ có tác động hơn nữa và rất có thể dẫn đến việc các quốc gia châu Âu chạy đua nhập khẩu vũ khí”.
Trước năm 2022, Ukraine là một nước nhập khẩu vũ khí không đáng kể. Tuy nhiên, trong năm 2022, nước này nhanh chóng trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, sau Qatar và Ấn Độ, do các quốc gia phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Theo số liệu của SIPRI, chỉ riêng Ukraine đã chiếm 31% lượng vũ khí chuyển giao cho châu Âu và 8% tổng lượng vũ khí chuyển giao trên toàn thế giới. Trong số này có khoảng 230 khẩu pháo của Mỹ, 280 xe bọc thép của Ba Lan, hơn 7.000 tên lửa chống tăng của Anh, cùng nhiều vũ khí mới được sản xuất như hệ thống phòng không. Cũng theo SIPRI, 5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới theo thứ tự là Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức.
Mặc dù bảng xếp hạng này không thay đổi so với báo cáo trước đó nhưng đã có những thay đổi đáng kể đối với từng quốc gia. Ví dụ, Mỹ đã tăng xuất khẩu thêm 14% và hiện chiếm 40% lượng chuyển giao vũ khí toàn cầu. Theo SIPRI, Mỹ sẽ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới trong thời gian tới, xuất phát từ thực tế khoảng 60% các máy bay chiến đấu và trực thăng được đặt hàng trên toàn thế giới là sản phẩm của Mỹ.
Châu Âu gia tăng nhập khẩu vũ khí đã càng làm cho người dân nơi đây lo ngại cho nền hòa bình của châu lục này hơn bao giờ hết. Đó là nguyên nhân vì sao ngày càng có nhiều cuộc xuống đường từ Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Anh... với các khẩu hiệu “Vì hòa bình châu Âu”, “Chiến tranh và vũ khí không dẫn đến hòa bình, chỉ gây đau khổ cho người dân”, “Hãy để hòa bình chiến thắng!”.