Nói về chuyện du nhập văn hóa, việc tiếp nhận những điều hay ho từ nước ngoài không thấy hiệu quả được bao nhiêu, mà chỉ thấy một bộ phận bạn trẻ chúng ta thích ăn theo, làm lố quá đà, gây ra những hệ lụy không nhỏ. Trào lưu nào ở nước bạn có, thì ngay lập tức ở nước ta cũng có, thậm chí còn ở mức độ khó chấp nhận được. Nhiều bạn nói thẳng: “Đã chơi thì phải khác người, không thì chơi làm gì”. Ấy vậy nhưng với trào lưu sống đẹp, sống xanh, nhiều bạn trẻ Việt lại chẳng mấy hưởng ứng, cho rằng đó là việc “rỗi hơi”, không “hoành tráng”, không vui…
Nhìn những bạn trẻ đầu xanh đầu đỏ, áo mỏng lét lộ cả nội y, rú ga nẹt pô ngoài đường, một người bạn thở dài nói: “Không biết cha mẹ chúng có thấy điều này không nhỉ. Rồi nhà trường, thầy cô giáo dục thế nào ra một đám nhỏ sống bạt mạng như vậy. Nếu chúng chỉ gây hại cho chính bản thân mình thì đó là hậu quả; còn nếu gây hại đến cộng đồng thì trách nhiệm thuộc về cả xã hội”. Tôi không đồng ý quan điểm này. Không phải cứ người trẻ gây lỗi, từ nhỏ đến lớn, thì dư luận lại kêu gào trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nhà trường và gia đình không giáo dục, hướng dẫn, theo sát. Một bạn trẻ hư, lỗi không chỉ ở “xã hội” mà còn ở chính nhận thức của bạn trẻ đó. Nếu ai cũng đổ lỗi cho môi trường, cho giáo dục, cho gia đình… thì đến bao giờ bạn trẻ mới nhận thức được đó là hành động sai, lệch chuẩn để khắc phục?
Một câu chuyện nhỏ khác, người bạn của tôi có con năm nay 18 tuổi. Trong một lần ham hố tốc độ với bạn bè, cháu bị cảnh sát giao thông bắt lỗi vi phạm tốc độ. Trong khi đám bạn đi cùng í ới điện thoại gọi cha mẹ, người thân ra hỗ trợ giải quyết thì bạn tôi sau khi nghe điện thoại đã từ chối thẳng. Anh nói với con: “Nếu đó là lỗi của con gây ra thì hãy tự chịu trách nhiệm vì con đã tròn 18 tuổi. Ba sẽ không giúp con. Nếu bị giam xe thì con đi học bằng xe buýt và khi hết hạn giam xe, con cũng vẫn đi xe buýt vì ba sẽ tịch thu chiếc xe này”.
Câu chuyện mà người bạn tôi kể lại nhận được sự đồng tình của nhiều bạn bè, nhất là sau khi tự chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình, con trai của anh đã ngoan hơn, biết nghe lời và có trách nhiệm với bản thân hơn.
Người trẻ, được sống trong thời đại mà mọi sự thay đổi, tốt hơn, xấu đi đều trong tích tắc. Nếu không tự rèn luyện để sống mà không hòa tan, không biến đổi thực sự là một thành công. Và điều đó, không chỉ cần mỗi sự giáo dục, định hướng của người lớn; mà còn ở chính mỗi bạn trẻ tự rèn luyện. Hãy để cho người trẻ tự chịu trách nhiệm để chúng còn khôn lớn, đừng bắt xã hội phải gánh thêm con, em của các bạn trên đôi vai của mình.