Đem chuyện công việc về nhà
Nghe tiếng xe máy quen thuộc gần đến cửa, biết là chồng về, chị Minh Vy hào hứng ra đón. Chưa kịp khoe bữa tối có mấy món anh thích, chị Vy khựng lại khi thấy chồng hầm hầm đá chống xe rồi bước thẳng vào nhà. Vẻ mặt ấy chắc chắn là có chuyện ở công ty, chị thầm nhủ.
Anh Đăng (chồng chị Vy) làm nhân viên kinh doanh cho một hãng máy nước lọc, thu nhập khá nhưng áp lực công việc cao. Anh Đăng thuộc tuýp người “buồn vui đều hiện hết ra nét mặt”, thành thử khi anh có việc gì không vui là cả nhà đều áp lực theo.
Chị Vy cũng đi làm, thấu hiểu áp lực của chồng nên mỗi lần như vậy, chị chỉ âm thầm chuẩn bị quần áo, bật sẵn nước ấm để anh vào tắm rửa. Nhiều bữa anh chẳng buồn ăn cơm, chị cho các con ăn rồi cầt đồ ăn vào tủ. Khi nào anh thấy thoải mái hơn, muốn chia sẻ, chị sẵn sàng lắng nghe. Mấy đứa nhỏ thấy ba không vui cũng không dám giỡn cười, lí nhí chào rồi cặm cụi chơi đồ chơi.
Nghe chị Vy tâm sự, người viết lại liên tưởng đến gia đình một người anh bà con. Anh chồng làm chủ một nhà xưởng nhỏ, chị vợ làm nhân viên trong một doanh nghiệp nhà nước, kinh tế khá, hai đứa con cũng đã lớn, mọi việc cơm nước trong nhà có người giúp việc quán xuyến. Nhà đẹp, ba mẹ thành đạt nhưng không mấy khi thấy bọn trẻ nhà anh muốn gần ba mẹ, lúc nào chúng cũng tìm cớ ra ngoài. Có lần ấm ức quá, đứa con gái lớn gọi điện khóc rưng rức kể, ba mẹ buồn chuyện đâu đâu hay công việc không suôn sẻ là về nhà dằn vặt nhau. Nhiều khi chỉ là bực dọc chuyện người ngoài đường hay giận đồng nghiệp ở cơ quan cũng về “đá thúng đụng nia”.
“Chị em con chỉ mong nhanh lên đại học rồi xin vào ký túc xá ở, chứ cứ như vậy thì mệt mỏi lắm”, cô bé tâm sự. Đến người giúp việc cũng căng thẳng, không mấy người trụ được một năm, vài tháng lại phải kiếm người mới.
Điểm dừng
Những trường hợp vừa kể khá phổ biến hiện nay. Chị Vy thú nhận, chị và các con luôn trong tình trạng lo lắng. Anh Đăng bức bối bên ngoài, về nhà đụng chuyện gì cũng la. Từ việc thấy các con chạy ra chạy vào, món đồ chơi nào đó còn sót lại ở phòng khách hay chuyện hàng xóm ồn ào... đều có thể khiến anh nổi cáu rồi trút giận lên vợ con. Nên mỗi lần thấy chồng đem gương mặt không vui về, chị Vy và các con lại… nín thở, tự vấn xem mình có làm gì sai không, còn gì chưa chu toàn, thậm chí nếu lỡ xảy ra chuyện gì dù nhỏ nhặt, mấy mẹ con cũng phải dặn nhau giấu ba.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người quan niệm: công việc là công việc, các mối quan hệ xã giao là ở ngoài đường, bước vào nhà là gia đình, là bạn đời và những đứa con. Họ ưu tiên cho không khí trong nhà, bởi nhà có yên ấm thì mới an tâm ra ngoài bươn chải. Thực tế ai cũng có những áp lực riêng, người lớn có mối lo của người lớn, các con cũng vậy, chuyện học hành của tụi nhỏ bây giờ đâu phải dễ dàng. Nếu mỗi người đem áp lực của mình về nhà, thì thử hỏi không khí trong nhà sẽ như thế nào?
Nhà là nơi để về, là nơi mỗi người buông bỏ những đề phòng, những “vai diễn” để sống thật nhất với con người mình, tính cách mình. Chắc hẳn mỗi người đều từng nghe câu “nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa”. Trong cuộc đua cơm áo gạo tiền bên ngoài, mỗi người đều gặp phải “giông tố”; nhưng khi trở về nhà thì chỉ còn những bình yên, niềm ấm áp, tình yêu thương mà người thân mang lại. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát cảm xúc, không tạo cho mình điểm dừng, biết buông bỏ những điều không đáng thì sẽ vô tình làm tổn thương người thân, điều này sẽ bào mòn hạnh phúc gia đình mà chúng ta đang làm mọi cách để vun đắp.