Thực trạng những “dòng sông chết” làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ngày 4-6. Trong đó ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) nhắc lại số liệu báo cáo của Bộ TN-MT cho thấy, chỉ có 17% lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trên toàn quốc. Con số này càng trở nên đáng báo động hơn khi mới có 30,3% số cụm công nghiệp và 16,1% các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dẫn chứng cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đã nêu lên thực trạng đáng báo động của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Vấn đề ĐB đặt ra là giải pháp cụ thể nào “hồi sinh” những “dòng sông chết”?
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đã thẳng thắn thừa nhận thực trạng ô nhiễm của các dòng sông và việc xử lý ô nhiễm gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã đề xuất một loạt giải pháp. Trong đó các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đồng thời, bộ trưởng đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông, chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động bảo vệ và phục hồi sông ngòi.
Bộ trưởng cũng cam kết, tăng cường công tác quan trắc, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải cũng được xem là giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường nước. Cuối cùng, bộ trưởng đề xuất tăng cường đầu tư công trong giai đoạn 2026-2030 để xử lý triệt để các dòng sông ô nhiễm.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã khép lại, nhưng giải pháp hồi sinh những “dòng sông chết” đặt ra vẫn còn đó: Những giải pháp được đề xuất có đủ mạnh mẽ và hiệu quả để “hồi sinh” những dòng sông đang chết dần? Và chúng ta có đủ quyết tâm và nguồn lực để thực hiện những giải pháp đó? Đây là những câu hỏi cần được trưởng ngành tài nguyên và môi trường trả lời trong thời gian tới, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá vốn đang bị đe dọa nghiêm trọng trước biến đổi khí hậu.