Hãy cứu “lá phổi xanh”

Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, nay không còn là “lá phổi xanh” của Trái đất, khi mà Amazon đã phát ra lượng khí CO2 nhiều hơn lượng khí khu rừng này hấp thụ. 

Rừng Amazon, có diện tích khoảng 5,5 triệu km2, chiếm hơn 50% diện tích rừng nhiệt đới còn lại của Trái đất và phong phú nhất về loài cây, động vật trên thế giới. Amazon là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Nhưng có lẽ vai trò quan trọng nhất của rừng Amazon đối với sự sống còn của nhân loại là chức năng hấp thụ khí CO2 - khí gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên. Trong khi lượng khí phát thải carbon đã tăng 50% trong 50 năm, vượt qua ngưỡng 40 tỷ tấn năm 2019, rừng Amazon đã hấp thụ một phần đáng kể lượng khí này (gần 2 tỷ tấn/năm). 

Tốc độ tàn phá rừng Amazon ngày một nhanh
Nhưng trong nửa thế kỷ qua, con người đã không ngừng đốt phá rừng Amazon để lấy đất canh tác và nuôi gia súc. Chuyên gia Luciana Gatti, Viện Nghiên cứu không gian quốc gia của Brazil, cho biết, điều lo ngại nhất là kịch bản cây rừng chết dần và rừng Amazon sẽ thải 123 tỷ tấn CO2 ra bầu khí quyển. Thay vì làm chậm lại sự hâm nóng khí quyển, rừng Amazon lại đẩy nhanh hơn. Amazon sẽ đến ngưỡng nguy hiểm trên khi từ 20%-25% diện tích rừng bị tiêu hủy. Hiện nay, tỷ lệ này là 15%, tăng mạnh so với mức 6% của năm 1985. Tháng 7 vừa qua, chuyên gia Gatti và các cộng sự đã đăng trên Tạp chí Nature một báo cáo nêu bật tình trạng báo động của rừng Amazon. Kể từ nay, khu rừng này thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn lượng khí hấp thụ, chủ yếu là do các vụ đốt, phát rừng gây ra. “Amazon đã trở thành một nơi phát thải khí CO2 sớm hơn chúng ta nghĩ”, bà Gatti cảnh báo.


Rừng Amazon bị tàn phá với tốc độ ngày càng nhanh, nhất là tại Brazil, quốc gia chiếm đến 60% diện tích rừng nhiệt đới này. Ngày nay, khi băng qua vùng phía Đông Nam của rừng Amazon, người ta hầu như không còn thấy bóng dáng của rừng nhiệt đới, mà chỉ thấy những thành phố nhỏ đầy các cửa hàng bán nông cụ, chợ mua bán gia súc, hoặc những cánh đồng cỏ, đậu nành bạt ngàn. Trong số 10 thành phố có tỷ lệ khí phát thải cao nhất ở Brazil, có đến 7 thành phố nằm ở vùng Amazon, những nơi mà rừng đã bị đốt sạch, thay thế vào đó là những trại nuôi bò phát ra khí methane. Nhiều nhà chăn nuôi giải thích rằng, chăn nuôi gia súc là cách làm giàu nhanh nhất ở vùng Amazon. Muốn giàu, họ phải chặt cây lấy gỗ bán, rồi đốt những gì còn lại. Tiếp đến, người ta rải hạt cỏ, dựng hàng rào bao quanh, đem gia súc đến chăn nuôi. Đất rừng bị cạn kiệt nhanh chóng, và họ lại đi phá các khu rừng khác.

Theo giới quan sát, có nhiều giải pháp mà Brazil có thể thi hành để đảo ngược tình trạng hiện nay, với điều kiện phải thi hành nhanh chóng và toàn bộ, như: ngăn chặn phá rừng tối đa, tăng cường các luật bảo vệ môi trường, trồng lại cây mới, khuyến khích ngành nông nghiệp tôn trọng rừng… Tuy nhiên, một trong những giải pháp tốt nhất là mở rộng các khu bảo tồn thổ dân, vì họ mới thật sự là những người canh gác bảo vệ rừng Amazon, những người sống hòa mình với rừng. Ở Brazil hiện có 700 khu bảo tồn như vậy, chiếm tổng cộng gần 1/4 diện tích rừng Amazon. 

Bà Gatti cho biết thêm rằng không chỉ Brazil, những nước khác cũng đang góp phần vào việc tàn phá rừng Amazon. Theo đó, Mỹ và châu Âu vẫn nhập gỗ khai thác lậu; cả thế giới đang mua rất nhiều thịt bò từ Brazil hoặc nuôi gia súc bằng đậu nành trồng ở vùng Amazon. Bà Gatti kêu gọi cả thế giới ngưng tiêu thụ những sản phẩm góp phần vào việc tàn phá rừng Amazon.

Tin cùng chuyên mục