Giải quyết chính sách cho cựu Thanh niên xung phong

​ Hãy chia sẻ và thấu hiểu

Do đặc thù lịch sử của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) nên đến nay - sau 67 năm thành lập, chế độ chính sách đối với hàng chục vạn cựu TNXP đã cống hiến cả tuổi xuân cho kháng chiến vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. 
Điều này để lại nhiều day dứt với những người làm công tác chính sách cho cựu TNXP. Năm 2017 được Hội Cựu TNXP xác định là năm “Vì nghĩa tình đồng đội”, với trọng tâm hướng tới việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP. 
​ Hãy chia sẻ và thấu hiểu ảnh 1 Ông Vũ Trọng Kim (người cầm micrô) giao lưu văn nghệ với các cựu TNXP
Xung phong khi Tổ quốc lâm nguy
Theo số liệu rà soát, thống kê mới nhất, do Hội Cựu TNXP phối hợp Bộ LĐTB-XH và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai, đã có 5.653 TNXP hy sinh được chế độ liệt sĩ, hiện còn tồn đọng 418 trường hợp, những người này lại không còn hồ sơ gốc; có gần 37.000 TNXP bị thương được hưởng chính sách thương binh, còn tồn đọng hơn 6.800 người, cũng không có hồ sơ gốc để chứng minh mình là TNXP. Hiện nay, số lượng hồ sơ tồn đọng để giải quyết chính sách đối với cựu TNXP còn khá nhiều: hơn 11.000 TNXP và 440 con TNXP chưa được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam; hơn 54.000 TNXP chưa được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần; trên 35.000 TNXP chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Trong đó, có hơn 10.000 các bà, các chị sống cô đơn ở các vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP, nguyên nhân gây tồn đọng thì nhiều, nhưng có một nguyên nhân chủ yếu là do đặc thù của lịch sử. Đó là khi Tổ quốc lâm nguy, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, đại bộ phận TNXP lên đường ra mặt trận và trong quá trình chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc không hề nghĩ đến việc sau này sẽ được vinh danh hoặc hưởng chế độ chính sách ưu đãi người có công với nước, nên không lưu giữ và cũng không thể lưu giữ được một giấy tờ xác nhận nào của các cơ quan chủ quản. Và trong thực tế, sau ngày kháng chiến toàn thắng, đất nước độc lập, bên cạnh một bộ phận cựu TNXP được Đảng, Nhà nước cử đi học, đào tạo trở thành cán bộ của các ngành, các cấp, thì phần đông TNXP trở về sản xuất, công tác tại địa phương, với hai bàn tay trắng. Do rất nhiều nguyên nhân, nhiều người có đời sống khó khăn chồng chất kéo dài, phải lưu lạc đến các vùng miền xa xôi, hẻo lánh để tìm kế sinh nhai. Rất nhiều nữ TNXP ngày xưa giờ đây sống cô đơn, già yếu, ốm đau bệnh tật mà đồng đội, người thân không tìm được tin tức. 
Một nguyên nhân quan trọng khác là một số cán bộ trong các cơ quan làm chính sách chưa thấu hiểu tính đặc thù của lịch sử nên quan niệm rằng chỉ có những trường hợp chết, bị thương do bom đạn của địch ngoài mặt trận mới gọi là hy sinh, mới công nhận là thương binh, liệt sĩ. Đơn cử như con đường mang tên Hạnh Phúc dài 180km từ Hà Giang lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, do 1.300 TNXP làm trong hơn 6 năm (1959-1965) trong điều kiện cực kỳ khó khăn nguy hiểm, hơn 20 đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhưng đến nay số người được công nhận liệt sĩ rất ít ỏi.
Cần sự thấu hiểu sâu sắc
Theo ông Vũ Trọng Kim, để giải quyết việc tồn đọng này rất cần sự thấu hiểu của các cơ quan, cá nhân được giao làm nhiệm vụ chính sách người có công.  “Thậm chí, có người quên cả đơn vị, quên cả nơi mà mình đã làm việc, đã cống hiến, vì nhiều người trong số đó đã già, trí nhớ không còn minh mẫn. Vừa qua, một số người chưa hiểu đầy đủ về chính sách TNXP, rồi có thể một vài nơi thực hiện chính sách chưa đúng đã khiến nhiều ý kiến nghi ngờ, làm cho cựu TNXP cảm thấy đau lòng vì bị xã hội cho là lừa lọc, dối trá để hưởng chính sách. Tôi cho rằng chúng ta không nên động chạm đến tình cảm thiêng liêng của TNXP. Những trường hợp nào nếu tiêu cực phải được xác minh cụ thể và công khai cho xã hội hiểu”, ông Vũ Trọng Kim nói.
"Theo thống kê, hiện có 28.500 trường hợp đang kê khai đề nghị hưởng chính sách người có công, trong đó 5.900 trường hợp đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ và người hưởng chính sách như thương binh. Trong thời gian tới, ngành LĐTB-XH sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương, bằng mọi biện pháp, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 căn bản giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công sau chiến tranh"
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH ĐÀO NGỌC DUNG
Để giải quyết thực tế này, vừa qua hội đã làm việc với Bộ LĐTB-XH và ra một văn bản giúp xác minh cụ thể những trường hợp hiện nay mất hồ sơ gốc chứng minh là cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Danh sách này sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, để không những địa phương đó mà các cơ quan khác cũng có thể giám sát xem đối tượng đó có đúng là TNXP không, có đúng là người được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước không? Đây là cách tiếp cận mới, rất dân chủ, công bằng, công khai, để không bỏ sót những đối tượng lẽ ra được hưởng chế độ chính sách mà lại không được hưởng. Đồng thời, qua đó cũng gạn lọc những trường hợp không thuộc diện hưởng chính sách, tránh tình trạng không chính xác, bị vấp váp như thời gian qua.
Theo Chủ tịch Hội Cựu TNXP, trong công tác giải quyết chính sách người có công, các cơ quan quản lý nhà nước nên giao cho những người hiểu tường tận về hoàn cảnh của những thương binh, liệt sĩ và cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Những cơ quan, cá nhân làm nhiệm vụ này phải tận tình giúp đỡ, để những người đáng được hưởng chính sách có điều kiện trình bày một cách đầy đủ, không để họ phải đi tới đi lui nhiều lần, phải cung cấp quá nhiều văn bản, giấy tờ rồi bị chuyển hồ sơ cơ quan này sang cơ quan khác. “Chúng tôi cũng mong Nhà nước có chính sách quan tâm hơn nữa đến đối tượng nữ TNXP không có chồng con, thiếu nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn; không bỏ sót những trường hợp nữ TNXP đáng thương mà không được giúp đỡ”, ông Vũ Trọng Kim bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục