1. Giống như rất nhiều bà mẹ quê khác, cuộc đời của mẹ tôi gần như chỉ gói gọn trong ngôi làng của mình. Nếu có đi đâu ra khỏi ngôi làng thân quen thì cũng chỉ loanh quanh trong tỉnh, nhân một công việc quan trọng hoặc đến thăm nhà người quen nào đó. Còn lại, thời gian của mẹ được dành hết cho ruộng đồng, bếp núc, chợ búa… Công việc cứ nối dài liên tục mà ít khi nào ngơi tay.
Về sau này, khi anh em chúng tôi lớn lên, mỗi người đều có cuộc sống riêng; thêm vào đó, không còn thiếu thốn như trước, nên mẹ cũng đã trả bớt ruộng, chỉ làm đủ ăn. Áp lực con cái và mưu sinh xem như được vơi bớt phần nào, nhờ đó, mẹ đã có thể ra Hà Nội ăn đám giỗ, vào Sài Gòn với tôi cách đây mấy năm. Đợt đó, tôi muốn mẹ ở thêm nhưng mẹ vẫn nằng nặc đòi về. Dù muốn hay không, tôi cũng đành thuận theo ý mẹ, bởi tôi biết, trong tâm trí mẹ lúc đó là đàn lợn, bầy gà, ao rau muống… vẫn đang chờ.
2. Đến bây giờ, tôi vẫn còn xúc động khi xem lại hình ảnh ba mẹ con cụ Nguyễn Thị Kiểm (87 tuổi, nhà ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay. Để thỏa ước nguyện được tận tay dâng hương lên Vua Hùng của mẹ, hai người con trai của cụ là ông Ngô Văn Thưởng và ông Ngô Văn Tuấn đã khiêng mẹ cùng chiếc xe lăn, vượt gần 500 bậc đá lên đỉnh núi, qua lần lượt Đền Hạ, Đền Trung rồi Đền Thượng.
Không hiểu sao, khi hình ảnh đẹp và ấm áp đó được đăng tải trên một số tờ báo, lại có rất nhiều người bỉ bôi. Được một người bạn chụp màn hình rồi gửi cho đọc, tôi vừa ngạc nhiên vừa giận. Việc báo hiếu cha mẹ, dẫu bằng hình thức nào, cũng không ai có quyền thóa mạ.
Bởi lẽ, làm được việc gì đó cho mẹ vui, nhất là khi người mẹ ấy đã lớn tuổi, sự sống đã mong manh như ngọn đèn trước gió, cũng có thể xem như một cách báo hiếu đến người đã có công sinh thành và dưỡng dục.
Đọc xong câu chuyện của hai người con trai cụ Nguyễn Thị Kiểm khiến tôi chạnh lòng trước mong muốn của mẹ mình. Tôi muốn đích thân dẫn mẹ đi, nhưng công việc bận rộn nên tôi vẫn chưa thể thực hiện ý muốn này của mẹ. Điều này khiến tôi mỗi lần nghĩ về lại thấy ray rứt không thôi.
Những bữa cơm gia đình các thế hệ ấm áp yêu thương. Ảnh: KHÓI LAM CHIỀU |
3. Tôi có một người bạn, ban đầu bạn có thái độ “ra mặt” với TikTok. Bởi theo bạn, xem TikTok chỉ tốn thời gian mà toàn những thứ “vớ va vớ vẩn”. Ấy vậy mà một ngày nọ, bạn đã bị “gục ngã” vì TikTok. Số là lần đó, bạn tình cờ xem được một video của ông Đỗ Văn Hương (48 tuổi, ngụ ở Hà Nội).
Trong video này, ông Hương đã ghi lại việc chăm sóc, trò chuyện với người mẹ của mình đã 96 tuổi. Ở vào độ tuổi này, hiếm người còn khỏe mạnh và minh mẫn, mẹ ông Hương bị lẫn, nhớ nhớ quên quên và luôn có những lời nói lẫn hành động hồn nhiên không khác gì một đứa trẻ.
Giống như bạn mình, khi xem những video mà ông Hương đăng tải, tôi cũng bị “gục ngã” bởi sự ân cần mà ông dành cho người mẹ của mình. Tôi say sưa xem video này qua video khác. Có video, bà cụ hồn nhiên vừa vỗ tay vừa hát: “Con cò be bé, nó đậu cành tre. Đi không hỏi mẹ, biết đi đường nào”. Có video cụ liên tục kêu đói bụng và đòi ăn, dù trước đó các con đã cho cụ ăn rồi. Lại có video, không rõ cụ giấu tiền ở đâu, mà ngồi kêu la thảm thiết khiến ông Hương cũng phải tá hỏa đi tìm…
Về già hóa trẻ con - đúc kết này có lẽ không phải không có cơ sở. Trong rất nhiều video, bà cụ nhiều lần “nhõng nhẽo” không khác gì một đứa trẻ, đôi lúc còn cáu gắt, giận dỗi. Vậy nhưng, người xem dường như chưa bao giờ thấy ông Hương cáu gắt, to tiếng với mẹ mình mà lúc nào cũng mềm mỏng, kiên nhẫn trò chuyện, dỗ dành mẹ.
Những video của ông Hương luôn có lượt xem cao với rất nhiều bình luận bày tỏ sự khâm phục lẫn xúc động: “Thế hệ trẻ cần phải xem để học hỏi và chăm sóc người sinh ra mình, nuôi dưỡng mình”, “Thương cụ chín thì thương anh trai mười. Vì cụ lẫn, làm con phải có sự nhẫn trong tâm và có tình thương rất lớn mới làm được như anh”…
Theo quy luật sinh lão bệnh tử, cha mẹ sẽ già, không thể ở với ta mãi mãi. Bởi vậy, để báo hiếu cha mẹ, nhất là khi cha mẹ tuổi cao, già yếu, nếu làm gì được cho cha mẹ thì hãy làm ngay.