Hậu trường: “Đại chiến Xích Bích II”

Hậu trường: “Đại chiến Xích Bích II”

Dành phần 2 chiếu vào dịp Tết Nguyên đán, cùng lúc với những bộ phim “hot” của Việt Nam, chứng tỏ “Đại chiến Xích Bích” được giới phát hành phim đánh giá cao. Cũng có lý khi mà phần 1 kết thúc cách đây vài tháng thu hút khá đông lượng khán giả, đồng thời với cái kết lửng lơ đã khiến khán giả thòm thèm, chờ đợi…

Kết thúc phần 1, quân Đông Ngô vui mừng trong không khí thắng trận, quyết định hạ trại bên bờ Nam sông Trường Giang ở khu vực có những vách đá dựng đứng. Quân của Chu Du ít hơn rất nhiều, nhưng lại chiếm ưu thế thủy chiến, Tào Tháo không thể qua sông nên quyết định đóng trại ở bờ Bắc để huấn luyện quân. Tào dùng xích sắt nối thuyền lớn lại theo lối kỵ binh Liên hoàn mã, gọi đó là “Liên hoàn chiến thuyền”. Trong khi quân lính chuẩn bị cho trận giao tranh sắp tới, Tào Tháo cao ngạo tuyên bố thế trận “Liên hoàn chiến thuyền” của mình là bất khả chiến bại, ung dung ngồi uống rượu làm thơ cùng chư tướng và còn tổ chức trò chơi đá cầu…

Hậu trường: “Đại chiến Xích Bích II” ảnh 1

Cảnh trong bộ phim “Đại chiến Xích Bích 2”.

Phần hai ngoài tâm điểm là trận Xích Bích thì 2 người đẹp trong phim là Tiểu Kiều (vợ Chu Du) và công chúa Tôn Thượng Hương (em gái Tôn Quyền) có thêm đất dụng võ. Tôn Thượng Hương giả trai để xâm nhập doanh trại Tào do thám tình hình, còn Tiểu Kiều thì dùng mỹ nhân kế với Tào Tháo để làm thuyết khách.

Trận Xích Bích nổi tiếng này gồm hai giai đoạn: giao tranh trên mặt nước và trận đánh trên cạn. Cuộc chiến trên sông, hỏa thuyền của liên quân do Hoàng Cái dẫn đầu lao vào liên hoàn thuyền của bên Tào và châm lửa. Đội tàu của quân Tào cái thì lật, cái thì chìm. Bởi vì gió lúc này đã thổi ngược hướng về phía quân Tào (mưu kế của Gia Cát Lượng), nên những liên hoàn thuyền bắt lửa và cháy lan sang nhau rất nhanh, 2.000 chiến thuyền của Tào Tháo bị thiêu rụi…

Kế hoạch cho việc bấm máy chuỗi cảnh này kéo dài suốt một năm trời. 18 chiếc thuyền với kích thước thật đã được đóng ngay tại địa điểm quay, vì nếu đóng ở nơi khác và vận chuyển đến phim trường ở đập nước sẽ khó khăn. Hai chiếc thuyền to nhất trong số đó có chiều dài đến 38 mét. Riêng việc đóng tàu cũng mất gần 8 tháng. 4 cầu phao cũng được dựng lên tại phim trường, nhiều thuyền nhỏ được đóng ở các xưởng đóng tàu lân cận rồi được chở đến địa điểm quay. Số còn lại của 200 chiến thuyền được dựng bằng kỹ thuật số.

Trận thủy chiến được quay làm 4 giai đoạn: giai đoạn quay trực tiếp, phần lớn là quay cảnh thuyền cháy và binh lính rơi xuống nước; giai đoạn hai được quay trong một bể nước lớn nhân tạo ở gần Bắc Kinh, mục đích là quay những cảnh chiến thuyền húc vào nhau, trong khi lửa vẫn cháy và binh sĩ vẫn đang giao tranh; giai đoạn ba là những cảnh quay thu nhỏ để liên kết các phần; giai đoạn cuối cùng là thêm vào các hiệu ứng kỹ xảo điện ảnh. Trận Tam Giang Khẩu được thực hiện trong 6 tháng với hơn 1.000 bộ binh, 300 kỵ binh, hơn 700 người thuộc ê kíp sản xuất, những cảnh quay của trận đánh thực sự là một công việc hoành tráng.

Đạo diễn Ngô Vũ Sâm nói: “Trận Xích Bích là một cột mốc quan trọng trong quá trình xoay chuyển bánh xe lịch sử Trung Quốc. Với tính chất lịch sử quan trọng như vậy, tôi hy vọng rằng với dàn diễn viên sáng giá, cùng với ê kíp làm phim giàu kinh nghiệm, cùng những công nghệ chưa từng được sử dụng trong những bộ phim của Trung Quốc trước đây, chúng tôi sẽ có thể dựng nên một bộ phim ngang với tầm cỡ những phim ăn khách khác tại Hollywood.

Đối với tôi, khía cạnh lôi cuốn nhất của Tam quốc diễn nghĩa không phải là tính phi thường của các nhân vật được hình tượng hóa trong tiểu thuyết, mà là cái chất anh hùng mà họ thể hiện. Tôi cho rằng cảm xúc của con người cho dù họ sống ở đâu thì cũng vẫn giống nhau, nó hoàn toàn không bị chia cắt bởi văn hóa. Cũng bởi lẽ đó mà đoàn làm phim gồm các thành viên tụ họp từ mọi nơi trên thế giới: Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

Tôi tin rằng điện ảnh Trung Quốc đang đi đúng hướng, nếu chỉ khoảng 10 năm trước thôi, một bộ phim tầm cỡ như Đại chiến Xích Bích gần như không thể thực hiện được, thì giờ đây cùng với sự tiến bộ của công nghệ và sự giúp sức của các nhà tài trợ, đã giúp tôi biến ước mơ trở thành sự thật”.

Thiết kế kỹ xảo điện ảnh cho bộ phim do Công ty Orphanage trụ sở tại Los Angeles, San Francisco đảm nhiệm. Công ty này có hơn 160 họa sĩ và đã thiết kế hàng tá kỹ xảo cho các bộ phim bom tấn như Bộ tứ siêu phàm 2, Siêu nhân trở lại, Cướp biển vùng Carribbean 2 và 3, Harry Potter và chiếc cốc lửa...

Với 80 triệu USD, Đại chiến Xích Bích trở thành bộ phim nói tiếng Trung có vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới giờ.

Hạ Chinh

Tin cùng chuyên mục