Lần đầu tiên các nhà nhập khẩu điều nhân hàng đầu thế giới như Hà Lan, Anh, Australia… đã đến TPHCM làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS). Mục đích chính là để quyết đòi… nợ vì có không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam thời gian qua không thực hiện hợp đồng đã ký với họ.
Sự việc có thể tóm tắt như sau, năm 2007, các DN Việt Nam ký nhiều hợp đồng xuất khẩu điều nhân với các nhà nhập khẩu của châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia... với giá không phải là thấp. Nhưng đến gần thời điểm giao hàng, giá điều nhân trên thị trường tăng mạnh, làm giá điều nguyên liệu trong nước tăng theo.
Nguyên liệu nhập từ châu Phi cũng gặp khó khăn nên đối tác “xù” không giao hàng. Tình hình trên khiến không ít DN VN gặp khó khăn. Hậu quả là còn đến 1.200 container điều nhân chưa giao như hợp đồng đã ký. Và dĩ nhiên, thực tế này đã làm các nhà nhập khẩu nước ngoài phẫn nộ. Họ cho biết, các công ty mua bán, đóng gói và rang hạt điều nước ngoài đang bị thiệt hại nghiêm trọng do sự vi phạm hợp đồng của các DN xuất khẩu điều nhân VN.
40 triệu USD là số thiệt hại mà các nhà nhập khẩu thống kê không phải là con số quá lớn đối với họ, nhưng nó đã làm cho các DN ngành điều VN mất uy tín trên thị trường thế giới.
Đại diện các nhà nhập khẩu trái cây khô của Hà Lan gay gắt khẳng định hành động không thực hiện hợp đồng đã ký của nhiều công ty xuất khẩu điều nhân VN đã vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực quốc tế, đơn phương yêu cầu nâng giá… sẽ làm xấu đi hình ảnh ngành điều VN không chỉ trong hiện tại mà còn cả tương lai.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Quyền Chủ tịch VINACAS khẳng định quan điểm của hiệp hội là các DN phải thực hiện đúng các hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, có thể vì quá khó khăn nên các DN chậm giao hàng nhưng đến quý 3 hoặc cùng lắm là quý 4-2008 sẽ giao hết số hàng còn nợ. Dù có bị lỗ nặng thì các DN cũng phải giao hàng bởi đây là uy tín của ngành điều VN. Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận Đào Văn Chân cũng khẳng định vì quá khó khăn chứ không phải nhằm mục đích “tống tiền” mà các DNVN đề nghị thương thảo lại hợp đồng. Nhưng nếu khách hàng không thông cảm thì DNVN vẫn giao hàng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế: Có một số DN (nhất là DN không là hội viên VINACAS) không gặp quá nhiều khó khăn nhưng đã cố tình không thực hiện hợp đồng mà chọn cách giao cho khách hàng mới với giá cao hơn. Đây là những “con sâu” làm ngành điều VN lâm vào tình cảnh hiện nay. Các nhà nhập khẩu nước ngoài không phải không biết tình hình này, thậm chí họ đã có những động thái chuẩn bị để kiện nếu các DN không chịu thực hiện đúng hợp đồng.
Mà cũng chính do những DN này nên việc thương thảo lại hợp đồng ở những DN thật sự khó khăn trở nên vô vọng. Ở đây, chưa nói đến vấn đề chữ tín – vốn rất quan trọng trong kinh doanh, thì việc làm của các “con sâu” trên cũng cho thấy, dù VN đã vào WTO, nhưng vẫn tồn tại lối làm ăn tùy hứng, ăn xổi ở thì và xem thường hậu quả cho bản thân mình cũng như cộng đồng DN nói chung.
Đây là bài học không chỉ đối với các DN ngành điều!
CÔNG PHIÊN