Hiện tượng lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc đã được cảnh báo nhiều lần. Nguyên nhân sâu xa chính là tình trạng chặt phá rừng tràn lan, khi đất không thể giữ được nước, mưa bao nhiêu thì chảy cả về vùng trũng thấp, trên đường đi cuốn trôi cả đất, đá, cây gỗ.
Mưa lũ trong mấy ngày vừa qua ở một số tỉnh phía Bắc đã gây ra những thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tài sản. Báo chí và các trang mạng xã hội đã chia sẻ rất nhiều hình ảnh người dân không thể về nhà do sạt lở đường hoặc bị núi lở che lấp mất đường; hình ảnh nước đỏ ngầu chảy cuồn cuộn, muốn cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của nó; hình ảnh nhà sập, tài sản bị hư hỏng, mất mát, đau lòng nhất là nhiều người bị vùi dưới bùn… Đây là trận lũ đầu mùa, cường độ và tính chất có phần không quá nguy hiểm, nhưng dường như công tác dự báo và chuẩn bị ứng phó không được tốt lắm. Không chỉ người dân mà cả chính quyền địa phương cũng có vẻ bị bất ngờ.
Song, một số địa phương đã nỗ lực khắc phục khẩn trương, vừa tổ chức sửa chữa đường sá, cầu cống, vừa hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, mai táng người chết. Hình ảnh cảm động nhất là bộ đội, công an đã kịp thời có mặt hỗ trợ cho các thí sinh kịp đến trường thi.
Hiện tượng lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng dường như càng về sau càng nguy hiểm và phức tạp hơn. Một phần là do điều kiện sinh hoạt, tập quán sản xuất của người dân ở vùng cao, vốn ở gần các sông, suối, dưới chân các núi, đồi, khi mưa lớn và kéo dài thì đất núi dễ bị sạt lở, nước sông, suối nhanh chóng dâng lên cao, nếu người dân không kịp thời sơ tán thì rất dễ xảy ra tai nạn thương tâm.
Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là tình trạng chặt phá rừng tràn lan, khi đất không thể giữ được nước, mưa bao nhiêu thì chảy cả về vùng trũng thấp, trên đường đi cuốn trôi cả đất, đá, cây gỗ. Có clip được chia sẻ cho thấy có những đoạn đường nước từ trên núi chảy xuống như thác, chực chờ sạt những vạt đất lớn xuống người đang đi bên dưới. Đó là do rừng trên núi bây giờ chỉ là rừng thưa, cây bụi, thậm chí có nơi đã trở thành đồi trọc, núi trọc, lớp lá cây, mùn trên mặt đất không còn nữa nên mưa xuống thì nước không thể được giữ lại như trước, khi không kịp thấm xuống đất thì cứ chảy về các triền dốc, thành ra các con thác nhỏ.
Rừng bị tàn phá nghiêm trọng để lấy đất canh tác, sản xuất và làm nhà ở. Bà con ở nhiều nơi không có đất sản xuất phải đi phá rừng lấy củi, lấy gỗ, sau đó biến những rừng thưa thành đất rẫy, trong khi chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo. Một số nơi, nhu cầu gỗ tự nhiên đã khiến người ta âm thầm “tấn công” vào rừng nguyên sinh, dần dần “ăn quen” khai hoang luôn những khu vực vừa bị phá. Rồi tình trạng đô thị hóa lấn dần đất nông nghiệp, khiến người làm nông phải lùi, lùi mãi và chạm đến rừng. Các nhà máy thủy điện lớn nhỏ cứ lần lượt mọc lên, biến những vạt rừng bạt ngàn và các nương rẫy, ruộng vườn thành hồ nước, xua người dân sống bằng nghề nông phải xoay nghề khác, trong đó có việc phá rừng để lấy đất ở và sản xuất. Kể cả việc khai thác khoáng sản tràn lan cũng là hoạt động phá rừng có quy mô và trong nhiều trường hợp được tổ chức hợp pháp.
Thỉnh thoảng lại nghe những vụ bắt gỗ lậu, là các thứ gỗ quý bị chặt phá trong rừng cấm; thỉnh thoảng có những biệt phủ toàn gỗ quý được phát hiện, nếu không phải các đại gia thì chỉ có quan chức; thỉnh thoảng có những vụ sập hầm đào vàng, đào quặng… Không chỉ có ở Tây Bắc, Đông Bắc, mà còn ở Tây Nguyên, miền Trung. Và thường xuyên hơn là tin các vụ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khiến nhiều người thương vong, khiến giao thông bị chia cắt, thiệt hại nhiều tài sản.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên hoàn toàn ở Tây Nguyên và một số nơi khác. Thế nhưng cũng không ai dám chắc rằng rừng ở nơi đã đóng cửa sẽ không bị tàn phá, không bị âm thầm khai thác trái phép. Khi nhu cầu gỗ tự nhiên còn nhiều thì rừng vẫn còn bị phá; khi còn các dự án thủy điện thì rừng vẫn còn bị phá; khi còn để tình trạng khai thác khoáng sản vô tội vạ thì rừng vẫn còn bị phá; khi còn để tình trạng bà con du danh du cư, không kế hoạch thâm canh hay sản xuất lớn thì rừng vẫn còn bị phá. Mà rừng vẫn còn bị phá thì hậu quả sẽ ngày càng nặng nề!