Trong lúc cả nước và toàn ngành bắt tay thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) nhằm tạo ra những bước chuyển biến mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT, thì việc cơ quan chủ quản Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là Bộ GD-ĐT để xảy ra sai phạm (mà Thanh tra Chính phủ nêu ra) lặp đi lặp lại những năm qua đã không theo kịp tinh thần đổi mới của nghị quyết nói trên.
Những sai phạm dùng thủ đoạn nâng giá mua giấy in cao đến 1,7 lần và tập trung đến trên 87% chỉ ở một nhà cung cấp giấy là việc làm quen thuộc của không ít doanh nghiệp nhà nước nhằm thổi giá. Nhà xuất bản đã lợi dụng vị thế độc quyền trong ngành giáo dục nhằm tính toán áp giá thuế, nâng cao chi phí đầu vào để định giá đấu thầu đến 5% và tính toán gia theo giá quy định rất cũ từ năm 2011. Mức chiết khấu với tỷ lệ 25% như Thanh tra Chính phủ nêu ra là cao cũng như việc nhà xuất bản lợi dụng một bộ phận các nhà quản lý ở các cơ sở giáo dục và địa phương nhằm hưởng phần trăm khiến đẩy giá phát hành sách giáo khoa lên cao khiến người dân chịu thiệt.
Cũng vì độc quyền nên nhà xuất bản lợi dụng phát hành sách đọc thêm, các loại ấn phẩm khác kèm sách giáo khoa kiểu bán “bia kèm mồi” khiến người học không có sự lựa chọn khác, nhất là các bộ sách ngoài sách giáo khoa đó lại được nhà trường giới thiệu nhiệt tình bởi “cơ chế chiết khấu”.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, xu hướng các gia đình sinh con ít đi nên phần lớn có tâm lý cho con điều kiện học tốt bằng những bộ sách giáo khoa có chất lượng, đẹp mà không mấy cân nhắc đến giá cả. Tuy nhiên, với rất nhiều gia đình con em người lao động sống ở mức nghèo, việc bỏ ra vài trăm ngàn cho đến cả triệu đồng để mua sách giáo khoa và các sách tham khảo khác là điều hết sức khó khăn, nhất là trong lúc vật giá của nhiều mặt hàng leo thang như xăng dầu, thực phẩm, giá thuê nhà... Lợi dụng tâm lý của các phụ huynh, lại tranh thủ vị thế độc quyền để té nước theo mưa, đẩy giá sách lên cao là điều cần phê phán và chấn chỉnh.
Việc có lợi ích nhóm giữa Nhà xuất bản Giáo dục và Bộ GD-ĐT hay không còn phải chờ sự vào cuộc của ngành công an nhưng những thông tin mà Thanh tra Chính phủ đưa ra khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về “lợi ích nhóm”.
Trong bối cảnh đó, dự án 3.500 tỷ đồng để in sách giáo khoa cho học sinh nghèo mượn và sử dụng nếu triển khai cần phải tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Thanh tra Chính phủ. Qua đó khắc phục sớm những hạn chế trong quản lý như tuân thủ luật đấu thầu, xây dựng định mức kinh tế, đặc biệt cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách để đảm bảo quá trình thực hiện đề án nói trên phải minh bạch, hiệu quả, không bị thổi giá... Cần xác định rõ trách nhiệm của Nhà xuất bản Giáo dục và sau đó là Bộ GD-ĐT; từ đó xử lý nghiêm những cá nhân liên quan.