Giá trị các giao dịch tương lai dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 15% lên mức cao nhất kể từ tháng 5, tương đương 60,89 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 13% lên mức 68,06 USD/thùng sau khi có lúc tăng lên 71,95 USD/thùng. Thị trường chứng khoán châu Á cũng bắt đầu một tuần giao dịch ảm đạm khi giá trị các hợp đồng phái sinh E-mini của S&P 500 giảm 0,4% và Dow Jones giảm 0,3%.
Chuyên gia Ray Attrill thuộc Ngân hàng Trung ương Australia cho rằng thông tin về các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở lọc dầu ở Abqaia và Khurais của Saudi Arabia sẽ ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu trong tuần này. Ngoài việc gây ra gián đoạn nguồn cung dầu, các cuộc tấn công cũng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về tình hình địa chính trị trong khu vực và làm căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng. Virendra Chauhan, chuyên gia phân tích công nghiệp tại Singapore, nhận định: “Sự tổn thương với cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia, vốn được coi là nguồn dầu thô ổn định trên thị trường, tạo ra những biến động mà thị trường phải đối phó. Ở thời điểm hiện tại, chưa thể xác định hoạt động sản xuất dầu sẽ bị đình trệ trong bao lâu”.
Sự biến động chưa từng có của giá dầu đang gây tác động khắp thị trường tài chính. Các tài sản vốn được coi là nơi trú ẩn, bao gồm vàng, đồng yên và trái phiếu kho bạc, đều đã tăng trước những quan ngại sụp đổ trật tự địa chính trị ở Trung Đông sau vụ tấn công. Các loại tiền tệ của Canada và Na Uy cũng tăng. Hợp đồng xăng tương lai của Mỹ tăng 13%; vàng tăng 1% lên mức 1.503,09 USD trong phiên giao dịch sớm tại thị trường châu Á. Các báo cáo cho thấy Saudi Arabia sẽ phải mất vài tuần để có thể phục hồi hoàn toàn công suất. Theo giới phân tích, sự việc sẽ khiến giá dầu thô tương lai tăng 10 USD mỗi thùng, phụ thuộc vào quy mô thiệt hại.
Tờ Nikkei Asia số ra ngày 15-9 dự báo vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia tác động nhiều mặt đến các nước từ Trung Đông tới châu Á. Nikkei đã tính toán đến tỷ lệ phần trăm của xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của 7 nước quanh khu vực eo Hormuz (gồm Iran, Iraq, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait và Oman) dựa trên số liệu cung cấp của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC). Tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của khu vực đã tăng lên mức 30% của xuất khẩu toàn cầu, nhôm hiện ở mức 16%. 7 nước này sản xuất nhiều sản phẩm hóa dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhựa. Sản phẩm sản xuất trong khu vực đóng góp khoảng 20%-30% xuất khẩu toàn cầu năm 2018, tỷ lệ đóng góp vào tổng sản lượng xuất khẩu này của toàn cầu đã tăng từ 2 - 5 lần trong 10 năm qua.
Các nước gần eo Hormuz đang giữ vai trò kinh tế ngày một quan trọng với châu Á. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 9,4 tỷ USD ethylene từ các nước ven biển thuộc eo Hormuz, tỷ lệ tăng 6,6 lần so với năm 2008. Phần lớn nhập khẩu tăng do các nước tăng cường mua hàng từ Saudi Arabia, Iran và UAE. Tỷ lệ nhập khẩu ethylene của Trung Quốc từ các nước quanh eo Hormuz tăng lên mức 18,4% vào năm 2008 lên 45,7% vào năm 2018. Nhiều nước thành viên thuộc Đông Nam Á cũng phụ thuộc nhiều vào ethylene của khu vực Trung Đông. Đối với Singapore, 75% ethylene nhập khẩu của nước này đến từ Saudi Arabia. Khoảng 50% ethylene nhập khẩu của Malaysia đến từ Trung Đông… Với nhiều loại hàng hóa khác, trong đó có bao gồm dây đồng, các nước châu Á hiện giữ vai trò khách hàng lớn nhất của khu vực Trung Đông.