Cha mẹ tôi mất cách đây gần 5 năm và không để lại di chúc về quyền thừa kế cũng như chia tài sản cho các con. Vì thế, chị Hai tôi vốn sống trong căn nhà từ đường nghiễm nhiên được quyền cai quản tài sản cha mẹ để lại.
Ngoài ra, cha mẹ tôi còn một căn nhà khác ở mặt tiền đường do bên nội để lại có giá trị lớn và tiền cho thuê nhà cũng do chị Hai giữ, chi tiêu cho gia đình riêng. Trước đây khi cha mẹ tôi còn sống thì gia đình bốn chị em tôi thường quây quần tụ họp và chị Hai với vai trò đầu tàu luôn lo toan cho mọi người chu đáo. Không khí gia đình lúc đó thật ấm cúng và ai cũng cảm thấy hạnh phúc mỗi khi trở về mái ấm chung. Mẹ tôi là một nhà giáo về hưu nên rất trọng lễ nghĩa, dạy dỗ các con sống nhân văn, không được hiềm khích, phân bì giàu nghèo. Nhờ học hành thành đạt nên khi có gia đình riêng, 4 chị em tôi đều có kinh tế ổn định.
Thế nhưng, sau khi cha mẹ mất đã lâu mà không thấy chị Hai và chồng chị ấy đả động gì đến khối tài sản của cha mẹ để lại thì chị em tôi bắt đầu có suy luận khác nhau. Ai cũng muốn mọi chuyện liên quan tài sản do cha mẹ để lại phải rõ ràng. Rồi chúng tôi gồm ba chị em gái bắt đầu nhờ luật sư tư vấn để biết rõ quyền lợi của con cái được chia như thế nào nếu cha mẹ mất mà không để lại di chúc. Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định sẽ họp mặt và nói chuyện với chị Hai về quyền lợi chung và riêng liên quan tài sản cha mẹ để lại, tất nhiên chị Hai có quyền được ở căn nhà từ đường, còn căn nhà kia phải bán để chia đều cho mọi người.
Không ngờ, mới khơi chuyện tế nhị, khó nói này, chị Hai đã lớn tiếng kể công mình phải nuôi cha mẹ những ngày bệnh tật, gánh vác việc cúng giỗ, lễ nghĩa… Thế là câu chuyện bị lạc theo hướng khác và tình chị em bị xáo trộn vì không cùng một hướng giải quyết êm đẹp. Rồi chúng tôi cảm thấy nặng lòng, nghĩ đến công sinh thành, ước mong của cha mẹ là nhìn thấy các con yêu thương, đùm bọc nhau nên tạm gác việc này lại. Thế nhưng, cuộc sống luôn có những điều không hay ập đến khiến chuyện tiền bạc càng thêm bức bách. Con trai đầu của người chị thứ ba đột ngột mắc bệnh hiểm nghèo - máu trắng nên tốn rất nhiều tiền để đưa đi Singapore chữa trị, thay tủy. Vì thế, chị em tôi bàn với chị Hai bán gấp căn nhà mặt tiền để hỗ trợ gia đình chị Ba. Vậy mà chị Hai cũng không chịu và chỉ chấp nhận đưa trước một số tiền để lo cho đứa cháu kém may mắn.
Đến nước này thì chị em tôi đành phải lên tiếng và từ đó những cuộc đấu khẩu, tranh cãi xảy ra thường xuyên. Cuối cùng, chị Hai phải chấp nhận bán căn nhà đó nhưng cũng giữ cho mình phần nhiều. Từ khi căn nhà được chia làm 4 phần thì trái tim tỷ muội chúng tôi cũng rớm máu, nát tan theo. Ngay cả khi giỗ cha, giỗ mẹ, chúng tôi cũng không muốn tụ họp chung và nhà ai nấy giỗ. Thậm chí con cái của gia đình chị Hai cũng không muốn giao du với con cái của chúng tôi vì hiểu lầm mối hiềm khích của người lớn. Điều này khiến chúng tôi rất đau lòng và cảm thấy tính cố chấp của chị Hai thật khó sửa đổi. Tôi hiểu ở nơi chín suối cha mẹ tôi rất buồn khi nhìn thấy con cái trên trần gian đang “chia đàn xẻ nghé” chỉ vì tài sản mà họ đã chắt chiu làm ra, mong muốn cho con cái được sung túc. Nhiều đêm suy ngẫm, tôi lại ao ước giá như cha mẹ mình nghèo, đừng để lại tài sản nhiều, có lẽ chị em tôi không phải làm đau lòng nhau…
Rồi thời gian cũng qua đi và vết thương lòng trong mỗi chúng tôi cũng dần nguôi ngoai. Nhân giỗ lần thứ 10 của mẹ, tôi - con gái út quyết làm sứ giả hòa bình, hàn gắn yêu thương giữa những người chị gái với nhau. Lúc đầu chị Hai vẫn giữ thế bề trên, bảo thủ với suy nghĩ của mình nên không chịu tham gia cuộc hòa giải này. Nhưng nhờ tôi thuyết phục và khơi gợi tình cảm chị em, gợi nhớ những sợi chỉ nhân văn mà mẹ thêu dệt để mái ấm luôn giữ nhiệt yêu thương giữa con cái và cha mẹ, chị Hai tôi cuối cùng đã gật đầu. Chúng tôi hẹn nhau ở một quán cà phê yên tĩnh ôn cố tri ân, nhớ lại những kỷ niệm thời ấu thơ có đủ cha mẹ luôn ngập tràn hạnh phúc. Không trách móc, không giận hờn, tạm quên đi những chuyện không vui đã xảy ra, chúng tôi cảm nhận được mình đang đánh mất những gì quý giá nhất. Đó là giá trị gia đình, vòng tay ấm áp của tình thân. Bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống, những tính toán nhỏ nhoi, ích kỷ chúng tôi đã để vuột mất những kỷ niệm đẹp nhất. Đúng là “một giọt máu đào hơn ao nước lã” và khi quên mất điều này chúng tôi cảm thấy hụt hẫng, thiếu vắng cái hồn chân thật của cuộc sống.
Những chàng rể thấy chị em hòa thuận cũng rất vui và họ đã chủ động gắn kết với nhau bằng bữa tiệc đoàn tụ. Thì ra trong cuộc sống, tiền bạc cũng cần nhưng nếu xử lý chuyện tiền bạc không khéo thì tình thân cũng mất và thù hận chứa chất ngày một cao hơn. Bài học của chị em tôi cũng trở thành bài học cho cuộc đời và mong sao đừng có gia đình nào tan tác, chia ly chỉ vì vật chất, tiền tài.
Ánh Trinh (TPHCM)