Hiện có 17 phương tiện/105 lao động của các tỉnh bạn đang trú ẩn tại các khu tránh trú bão ở Hà Tĩnh; trong đó có 4 tàu của Thanh Hóa, 1 tàu của Nghệ An, 12 tàu của Quảng Nam đã vào neo đậu tại cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà; có 1 xà lan của Nghệ An, 1 đầu kéo của Công ty 413 cảng Sơn Dương với 7 lao động đã vào neo đậu, tránh trú tại Cửa Khẩu, Kỳ Anh).
Sáng 25-7, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa. Có mặt tại âu biển cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh), phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng Online chứng kiến hầu hết các tàu cá công suất các loại của người dân Hà Tĩnh và tàu cá ngoại tỉnh đã được đưa vào âu trú tránh bão và tổ chức chằng néo cẩn thận, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.
Các tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh và ngoại tỉnh đang neo đậu tại âu biển Cửa Sót để trú tránh bão
>> Video clip tàu thuyền của người dân Hà Tĩnh và các địa phương và trú tránh bão tại âu biển Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà:
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến 8 giờ sáng 25-7, tại khu vực cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) có 97 tàu cá, cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà) có 309 tàu, cảng cá Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) có 78 tàu đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện ban quản lý đang tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn bà con ngư dân tổ chức neo đậu, chằng néo tàu thuyền chắc chắn, đồng thời kêu gọi các chủ phương tiện không được tự ý ra khơi khi chưa được phép của cơ quan chức năng....
Ông Sơn cũng cho biết: "Hiện còn một số tàu lớn đang chờ ngoài âu Cửa Sót, khi thủy triều lên sẽ vào. Thông thường bão sẽ kèm theo triều nhưng nếu không có triều sẽ rất nguy hiểm vì tàu to khó vào âu trú tránh bão. Chúng tôi đang theo dõi và đã có phương án xử lý trong trường hợp bão vào mà không có triều...".
Bà con ngư dân tổ chức neo đậu, chằng néo tàu thuyền
Trong khi đó, tại 20 hộ kinh doanh hải sản tại khu vực cảng biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) sau khi nhận thông báo về bão số 4 cũng tiến hành di chuyển thuyền bè nổi và các tài sản về nơi tránh trú bão an toàn... Để ứng phó với bão số 4, chính quyền thị xã Kỳ Anh dự kiến sẽ cấp hơn 20.000 bao bì cho các xã, phường, nhất là những địa điểm trọng yếu để sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra do mưa to, gió lớn...
Cũng trong sáng 25-7, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến bão số 4 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, cho biết tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện, liên tục thông tin về cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến 22 giờ ngày 24-7, còn lại 7 phương tiện với 30 lao động ở vùng biển Hà Tĩnh đang trên đường vào bờ, số còn lại đã vào nơi tránh trú. Hiện có 17 phương tiện với 105 lao động các tỉnh bạn đang trú ẩn tại các khu tránh bão của Hà Tĩnh. Tỉnh cũng đã triển khai phương án kiểm soát và di dời dân tại các thuyền bè, chòi canh và đồng thời phân công cán bộ giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lỡ, lũ ống, lũ quét, kiểm tra an toàn tại các tuyến đò ngang, đò dọc. Hiện đã tiến hành vận hành các cống tiêu thoát, điều tiết nguồn nước và hạ cốt nước tại các công trình thủy điện để ứng phó với mưa lũ...
Toàn tỉnh Hà Tĩnh đã gieo cấy được 44.399/44.177ha lúa hè thu (đạt 100,5% kế hoạch). Hiện nay đang trong thời kỳ làm đòng. Dự kiến ngày 15-8 đến 20-8 trổ đại trà, một số địa phương dự kiến trổ sớm hơn và có đến 11.260ha/15.788ha diện tích hoa màu và cây trồng cạn. Cơn bão số 2 vừa qua đã làm ảnh hưởng hơn 9.122ha lúa đang trong thời kỳ làm đòng; hơn 2.588ha rau màu các loại như ngô, đậu. Nếu bão số 4 tiếp tục đổ bộ khả năng ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp rất lớn.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai ngay một số biện pháp cấp bách ứng phó với bão số 4, bao gồm: mọi công việc ứng phó phải thực hiện xong trước 14 giờ chiều 25-7; kiểm soát tất cả tàu thuyền; sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu thuyền đã về bến; các điểm sạt lở gây nguy hiểm cho việc đi lại phải có lực lượng kiểm soát, cảnh báo nguy hiểm không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc; kiểm tra an toàn hồ đập, tổ chức tiêu thoát nước không để ngập úng cục bộ; có kế hoạch sơ tán dân trên các phương tiện tàu thuyền neo đậu, các lồng bè, chòi canh, vùng trũng thấp; tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và có phương án đảm bảo an toàn cho các bến cảng, khu du lịch. Các huyện miền núi cũng phải rà soát ngay những địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để triển khai ứng phó…
Tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai ngay các biện pháp cấp bách ứng phó với bão số 4
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định số 1922 phê duyệt các phương án phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2017. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh đã lên phương án sơ tán dân khu vực trọng điểm vùng ven biển, cửa sông đến nơi an toàn với 4 kịch bản. Cụ thể: Quy mô sơ tán dân khi có bão từ cấp 8 đến cấp 9 sẽ tiến hành sơ tán 1.587 hộ dân với 16.459 người thuộc 8 địa phương, đơn vị; khi có bão từ cấp 10 đến cấp 11 sẽ sơ tán 4.132 hộ dân với 23.261 người; khi có bão từ cấp 12 đến cấp 13 sẽ sơ tán 10.928 hộ dân với 47.400 người; khi có bão từ cấp 14 trở lên (bão mạnh, siêu bão) sẽ sơ tán 26.198 hộ dân với 103.440 người...
Hiện tỉnh Hà Tĩnh có 67 xã nằm ở khu vực trọng điểm ven biển, cửa sông, trong đó 30 xã ven biển, 37 xã cửa sông có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bão mạnh, siêu bão và nước dâng do bão.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, tổng số phương tiện trên địa bàn Hà Tĩnh là 6.102/17.676 lao động. Tính đến 22 giờ ngày 24-7-2017 còn lại 7 phương tiện/30 lao động ở vùng biển Hà Tĩnh đang trên đường vào bờ, số còn lại đã vào nơi tránh trú. Các tàu thuyền tránh trú ở ngoài khu vực Hà Tĩnh: Tại Nghệ An có 2 phương tiện/6 lao động (vào bờ biển Nghi Lộc), Đà Nẵng 6 phương tiện/36 lao động (vào đảo Cô Tô), Quảng Bình có 16 phương tiện/93 lao động (vào Cảng Danh), Hải Phòng có 31 phương tiện/207 lao động (vào Cát Bà), Quảng Ninh có 114 phương tiện/623 lao động (vào đảo Cô Tô), Vũng Tàu có 3 phương tiện/34 lao động (vào bờ)...