Sáng 12-12, tại Hậu Giang đã diễn ra "Diễn đàn kinh tế xanh 2018: Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logictics".
Tại diễn đàn, các diễn giả đã đưa ra các giải pháp và kinh nghiệm để phát triển thành công chuỗi giá trị nông nghiệp. Diễn đàn đã nhấm mạnh đến vai trò của hệ thống logistics, tìm giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản và hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn.
Logistics là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm 16-20%. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 64/160 về phát triển logistics và xếp thứ 4 ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Tuy nhiên, hiện nay chi phí giao thông và chi phí vận chuyển ở Việt Nam ở mức 25%, trong khi con số này chỉ chiếm 7 - 15% ở các nước phát triển.
Như vậy, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước khác. Nguyên nhân là do khâu phát triển logistics còn hạn chế với cơ sở hạ tầng kém phát triển đi kèm mạng lưới đường bộ quá tải.
Các đại biểu nhìn nhận: Logistics kém phát triển là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nông sản cao, khó cạnh tranh. Chính vì vậy, bài toán chuỗi giá trị nông nghiệp phải luôn gắn chặt và có quan hệ hữu cơ với bài toán phát triển logistics.
“Diễn đàn là cơ hội cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Đồng thời, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư, các đối tác có thêm đầy đủ thông tin và tin tưởng đầu tư vào Hậu Giang” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết.
Nằm ở vị trí trung tâm châu thổ sông Mê Kông, Hậu Giang có những lợi thế chiến lược trong phát triển nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế và xây dựng nền tảng logistics liên kết vùng phục vụ phát triển nông nghiệp.
Hậu Giang có 87% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông thủy sản đã có được danh tiếng tốt như khóm Cầu Đúc, cá thát lát cườm, lúa gạo… và với 70% dân số trong độ tuổi lao động, cùng với thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước giúp tỉnh có thế mạnh và tiềm năng trong các lĩnh vực từ nông sản đến thủy sản.
Gần đây, Hậu Giang đã có những chủ trương, chính sách được coi là đột phá nhằm đưa Hậu Giang bứt lên, phát triển xứng tầm với tiềm năng. Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có việc xác định lại thứ tự ưu tiên: thủy sản, rau quả, lúa gạo… cũng như đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là sự cụ thể hóa những chủ trương, chính sách và quyết tâm đó.
Tỉnh Hậu Giang đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200 ha cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp.
Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường nằm trong những nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, giúp Hậu Giang hòa mạch cùng các tỉnh trong vùng phát triển.
“Từ diễn đàn này, Hậu Giang sẽ từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cho từng loại nông sản chủ lực của tỉnh, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tăng cường mối liên kết và hợp tác với nhau giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành phố trong cả nước” - ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.