PHÓNG VIÊN: Năm 2021 là năm “bản lề” để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025, đâu là mũi đột phá của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội?
* Đồng chí LÊ TIẾN CHÂU: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 3 nhiệm vụ đột phá để đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực, đó là: Quy hoạch, hạ tầng; cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. 3 lĩnh vực nêu trên sẽ được tỉnh chỉ đạo thực hiện trọng tâm, trọng điểm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Trên cơ sở 3 nhiệm vụ đột phá nêu trên, Hậu Giang đã ban hành một loạt đề án, nghị quyết và chỉ thị để cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu gắn với giải pháp thực hiện cụ thể. Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá. Trong đó, tập trung sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho các dự án giao thông nhằm kết nối với các địa phương trong vùng.
Tại kỳ họp HĐND gần đây, tỉnh đã thông qua một loạt dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp quan trọng với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn Trung ương giai đoạn 2021-2025. Sau khi triển khai, đây sẽ là cú hích quan trọng và nhanh nhất thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh chóng.
Hậu Giang đang phối hợp với một số tập đoàn lớn xây dựng Định hướng chiến lược phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra hướng đi, chiến lược phát triển của tỉnh để có thể tận dụng tiềm năng, lợi thế nhằm đi tắt, đi kịp các địa phương trên cả nước. Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, Hậu Giang với xuất phát thấp, nên chúng tôi chọn con đường phát triển nhanh, thông minh và bền vững.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ năm 2021, Hậu Giang đã quyết liệt triển khai xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, một số dự án đầu tiên thuộc Đề án xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 sẽ chính thức ra mắt vào quý 3-2021.
* Đồng chí có thể nói một số kết quả cụ thể từ 3 nhiệm vụ đột phá?
* Hậu Giang đã và đang tập trung quyết liệt để thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá của cả nhiệm kỳ, kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 tương đối khả quan. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,99%, trong đó khu vực III (thương mại - dịch vụ) tăng 6,8% so với cùng kỳ (đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, năng suất, sản lượng, giá cả các mặt hàng nông sản đều tăng so với cùng kỳ (đặc biệt là vụ lúa đông xuân, giá lúa cao, nông dân thu lợi nhuận cao hơn cùng kỳ từ 5-10 triệu đồng/ha).
Thu ngân sách nhà nước vượt tiến độ, đạt 87% dự toán Trung ương giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 71,1% dự toán, tăng 50% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 308 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ, đạt 38,6% kế hoạch. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động đến nhiều hoạt động kinh tế.
* Hậu Giang đã và đang làm tốt trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Sắp tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào để đẩy nhanh quá trình này?
* Để đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, năm 2021, Hậu Giang tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư đúng mức nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), trang bị máy tính và thiết bị cần thiết cho cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để triển khai các ứng dụng công nghệ số phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Thực hiện xã hội hóa để phổ cập điện thoại thông minh cho người dân gắn với tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng dịch vụ CNTT cho người dân.
Trước tiên, tỉnh sẽ hoàn thiện, nâng cấp các nền tảng, ứng dụng dùng chung của tỉnh gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; ứng dụng di động Hậu Giang; hệ thống trợ lý ảo giải đáp thủ tục hành chính… tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tương tác với cơ quan nhà nước một cách dễ dàng. Thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến trình thành lập Khu CNTT tập trung của tỉnh, phục vụ nghiên cứu và sáng tạo lĩnh vực chuyển đổi số; thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số về đầu tư tại Khu công nghệ.
Với các giải pháp trên, tôi tin rằng năm 2021, Hậu Giang sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, góp phần cải thiện thứ hạng của Hậu Giang trên bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT.
* Hậu Giang cần làm gì để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội?
* Trong tình hình chung cả nước đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tỉnh Hậu Giang tiếp tục ổn định, phát triển đúng lộ trình đề ra và có nhiều bứt phá quan trọng. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống. Tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh.
Mới đây, Hậu Giang đã tổ chức diễn tập phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II, KCN Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Đây là công ty có nhiều lao động nhất tỉnh với tổng số 14.265 lao động. Tỉnh xác định chiến lược vaccine theo hướng ưu tiên cho đối tượng đang là công nhân trực tiếp sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động yên tâm làm việc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Chuẩn bị các phương án dự phòng trong tiêu thụ nông sản, không để tình trạng dịch bệnh gây ảnh hưởng đến đầu ra của nông sản… Hậu Giang yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt hơn việc truyền thông để người dân hiểu, ý thức tự giác, chủ động hơn trong phòng chống dịch Covid-19.
* Đồng chí chia sẻ gì với người dân và cán bộ tỉnh Hậu Giang để cùng chung tay vượt qua khó khăn do dịch Covid-19?
* Trước tiên, tôi xin chia sẻ với những khó khăn cũng như nỗ lực của người dân, đội ngũ cán bộ tỉnh đã “chung lưng đấu cật” vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động đến toàn xã hội, phần nào ảnh hưởng đời sống người dân Hậu Giang. Hậu Giang đến thời điểm hiện tại chưa có ca mắc nhưng không được phép lơ là, chủ quan.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp tình hình theo từng giai đoạn nhằm vừa khống chế tốt dịch bệnh, vừa đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội. Tôi tin tưởng vào sự chung tay trách nhiệm của tập thể cán bộ và người dân tỉnh Hậu Giang trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng chống dịch.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sự đoàn kết một lòng sẽ giúp chúng ta khống chế và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Rất mong người dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng người Hậu Giang ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tiếp tục tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hóa các quy định của Trung ương sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, đột phá, nền tảng cho sự phát triển của tỉnh. Tỉnh đã rà soát nhằm điều chỉnh, bổ sung, ban hành cơ chế mới để đưa tỉnh phát triển nhanh hơn. Với tâm thế chào đón và phục vụ tận tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư với chính sách thông thoáng, tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút nhà đầu tư. |