Hậu Giang: Nông dân lợi nhuận 65 triệu đồng/ha từ mô hình canh tác lúa thông minh

Ngày 13-3, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2023 – 2024 và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang.

102a4099-1-8796-3520.jpg
Máy gặt tuốt liên hợp của nông dân trong mô hình canh tác lúa thông minh ở Hậu Giang

Mô hình trình diễn quy trình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân 2023-2024”, được Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty CP phân bón Bình Điền tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện mô hình, nông dân được áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và xử lý rơm rạ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khi áp dụng mô hình, nông dân chỉ gieo sạ với lượng lúa giống 60kg/ha; chi phí đầu tư từ 19,2 – 22 triệu đồng/ha; năng suất lúa tươi đạt 8,9-9,9 tấn/ha, tăng 100-200kg/ha so với ruộng ngoài mô hình; lợi nhuận nông dân thu được 52-65 triệu đồng/ha, tăng gần 1,5-4,6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Như vậy, khi áp dụng mô hình, nông dân đã giảm đáng kể lượng lúa giống, phân bón và số lần phun thuốc nhưng vẫn đạt năng suất cao, từ đó mang lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, mô hình còn tạo ra sản phẩm gạo đạt ngưỡng an toàn, đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nhất là thị trường xuất khẩu.

Cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đi thực tế, tham quan mô hình quy trình canh tác, đồng thời xem trình diễn máy gặt tuốt liên hợp, máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ, máy bón phân, máy cày vùi để tăng pH và xử lý rơm rạ, máy cuộn rơm tại các cánh đồng.

Tin cùng chuyên mục